Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 5
 Lượt truy cập: 24839707

 
Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP 19.04.2024 00:04
Hát thơ, một nghệ thuật thi nhạc mới vẫn giữ nguyên lời và ý thơ
18.01.2009 16:47

Thi sĩ không còn phải lệ thuộc nhạc sĩ phổ nhạc mà người ta có thể hát nguyên văn bài thơ với âm điệu nhạc phù hợp

Giới thiệu
:
Hơn 3 ngàn câu thơ của tập truyện Kiều (tác giả Nguyễn Du) vừa được phát hành, dưới một hình thức vừa lạ vừa quen: hát thơ. Những ai đã từng yêu mến Kiều, với album gồm 2 CD này, sẽ có thêm một dịp để thưởng thức, và để một lần nữa trải lòng, cảm thông với nỗi đa đoan, với số phận "ba chìm bảy nổi" của người phụ nữ hồng nhan bạc phận.



CD 1 từ phần mở đầu đến đoạn lần đầu tiên Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe, CD 2 là phần còn lại, với sự kết hợp thể hiện của những giọng ca, giọng ngâm: Hồng Oanh, Hồng Vân, Thu Thủy, Bích Phượng, Huy Dự, Tuyết Trinh, Đại Lợi, Thục An, Yến Xuân, Thanh Tú, Vũ Vân. Bằng những giai điệu quen thuộc của các nhạc cụ dân tộc, những câu Kiều vốn đã dễ thuộc, nay lại càng tự nhiên đi vào lòng người hơn. Ví như: Tà tà, bóng ngả, tây về tây, tây về tây/chị em (mà) thơ thẩn, dang tay dang tay ra về; hay Nao nao dòng nước uốn quanh/Nhịp (á) cầu, nhịp cầu nho nhỏ, ố tang ố tang tình tang, cuối ghềnh, ố tang tình tang, cuối ghềnh bắc ngang... Album do Phương Nam phim phát hành; biên tập: nhạc sĩ Hữu Thạnh, tiến sĩ Nguyễn Nhã.

Mới đây, Nhà xuất bản Âm nhạc cũng phát hành album Đường xa vạn dặm - Quốc Trung. Không hẹn mà gặp, đây cũng là một câu chuyện âm nhạc, được phát triển từ tác phẩm Thiếu phụ Nam Xương (tác giả Nguyễn Dữ). Vẫn dựa trên những chất liệu của nhạc cổ truyền VN, kết hợp với âm nhạc phương Tây, câu chuyện - con đường mà Quốc Trung giới thiệu cùng khán giả được chia làm 7 chặng: Đào liễu, Vọng nguyệt (nỗi nhớ nhung da diết của người thiếu phụ); Lưu lạc, Dòng sông một bờ, Hạc trong sương (nỗi hàm oan của người vợ) và Đường xa vạn dặm, Độc thoại (sự ân hận của người chồng). Người nghe sẽ cảm nhận được từng biến chuyển trong tâm trạng của người thiếu phụ, bằng âm thanh của tiếng sáo, tiếng đàn tranh, đàn bầu cùng dàn nhạc điện tử; qua các lối thể hiện: hát xẩm, chèo, quan họ, ca trù của nghệ sĩ Thanh Hoài, nhạc sĩ Quốc Trung.

Cả 2 album ngoài giá trị nghệ thuật có thể còn là một lời nhắc nhở về sự giữ gìn và phát huy vẻ đẹp - bản sắc văn hóa của nước nhà. 

VĂN HOÁ DÂN TỘC
Hát thơ - tưởng lạ nhưng cũ!

Hát thơ? Nghe có vẻ lạ tai nhưng việc lại là việc cũ. Từ thời nhà Đường, tại các nhà hát bên Trung Quốc, người ta đã đem thơ của Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Xương Linh… ra mà ca hát. Đó là những bài Từ khúc, có những câu dài, ngắn không đều, âm vận du dương; người giỏi nhạc có thể cầm bài thơ, ngẫu hứng mà hát thành một ca khúc. Nghiêm túc hơn thì soạn thành bài bản, có đàn sáo tấu lên phụ họa cho giọng ca; sáng tác nên những điệu như Bồ tát man, Ức Tần nga, Ức Giang nam, Đảo luyện tử… Về sau, ai thích điệu gì thì cứ theo điệu ấy mà soạn lời ca mới, gọi là “điền từ”.

Xin đơn cử bài “Biệt tình” của Bạch Cư Dị đã được phổ thành điệu Trường tương tư:

“Biện thủy lưu, Tứ thủy lưu,
Lưu đáo Qua Châu cổ độ đầu,
Ngô sơn điểm điểm sầu,
Tứ du du, hận du du
Hận đáo qui thời phương thỉ hưu
Nguyệt minh nhơn ỹ lâu”.

Nghĩa:

“Hai sông Biện, Tứ chảy quanh
Qua Châu bến cũ hai ngành gặp nhau
Non Ngô lấm tấm điểm sầu
Tương tư dằng dặc hận sâu muôn đời
Khi về mối hận mới nguôi
Lầu tây nguyệt rạng có người tựa trông”

Và một bài thơ khác, bài “Biệt ý – Khuê tình” của Lý Bạch đã được hát lên theo điệu Bồ Tát man. ( Bồ Tát man có nghĩa là cô gái rừng. Niên hiệu Đại Trung đời Đường, nước Nủ man lai cống phẩm vật, con gái nước ấy bới tóc cao, đội mũ vàng, cổ đeo chuỗi hạt ngọc như vị Bồ Tát mà ca múa nên gọi là Bồ Tát man)

“Bình lâm mạc mạc yên như chức,
Hàn sơn nhất đới thương tâm bích
Minh sắc nhập cao lâu
Hữu nhơn lâu thượng sầu
Ngọc giai không trữ lập
Túc điểu quy phi cấp
Hà xứ thị quy trình?
Trường đình liên đoản đình.”

Nghĩa:

“Rừng bằng man mác khói lên như tơ dệt,
Rặng núi Hàn Sơn xanh biếc như tơ mối thương tâm
Lúc trời nhá nhem, bước lên lầu cao
Có người đang ở trên lầu buồn bã
Đứng trước thềm ngọc luống đợi chờ ai
Đàn chim nhớ tổ hấp tấp bay về
Mà về chốn nào đây?
Kìa trạm dài và trạm ngắn

(theo bản dịch trong Bạch hương từ phổ của một tác giả khuyết danh)

Hát trống quân

Ở nước ta cũng vậy, từ lâu lắm, tại các nhà hát ả đào, thơ đã được hát lên bằng nhiều điệu như: Gửi thư, Dựng Huỳnh, Nói sử, Tỳ Bà, Cung Bắc… thịnh hành nhất là điệu Hát nói. Hát nói là một bài thơ hợp thể gồm thơ 4 chữ, lục bát, song thất lục bát, thơ thất ngôn, thơ 8 chữ. Bài Hát nói mẫu mực gồm 11 câu, chia làm 6 khổ: khổ nhập đề, khổ xuyên tâm, khổ thơ, khổ xếp, khổ rải và khổ kết. Khổ thơ nằm giữa bài thường là hai câu thơ thất ngôn bằng chữ Hán hay chữ Nôm, khổ kết bao giờ cũng là một câu sáu chữ. Nếu thấy 11 câu chưa diễn hết ý tình, có thể làm thêm câu, vì đó mà có bài Hát nói dài đến 27 câu. Có điểm đặc biệt là các cụ xưa áp dụng thơ 8 chữ vào hát nói; sau này, trong phong trào thơ mới, nhiều nhà thơ tên tuổi đã rút từ “hát nói”ra lối thơ này để phát triển thành thể thơ tám chữ, người dùng nhiều nhất thể thơ này là Thế Lữ, sau đó là Huy Cận, Xuân Diệu, Huy Thông…

Nổi danh trong sáng tác hát nói phải kể đến tên tuổi của Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải… Còn rất đông văn nhân, tài tử khác mê ca trù, đã sáng tác “hát nói” rồi đến nhà hát nhờ đào nương ca lên để tác giả và bạn bè thưởng thức. Thú chơi phong lưu này khá tốn tiền hình như chỉ dành cho người giàu sang, trí thức; còn giới bình dân yêu thơ thì sao? Đã có những nghệ nhân hát rong mang thơ đi phổ biến khắp đầu thôn cuối xóm, ga xe lửa, bến xe đò, bến phà, góc chợ… nơi nào có thể quy tụ được vài chục người xúm lại để nghe họ hát thơ thì họ sẵn sàng khua trống, vặn đàn mời gọi. Đây là một hình thức diễn xướng mà sau này người ta gọi đùa là “xuất bản mồm” vì trước đây nghề xuất bản, in ấn cò nghèo nàn; các phương tiện truyền thông cũng chưa có mấy, đành phải áp dụng cách hát rong, truyền khẩu vậy. Cái hình ảnh một đám đông ngồi xổm trên một khu đất, vây quanh một nghệ nhân khiếm thị, đánh đàn bầu dưới ánh đèn vàng vọt tỏa ra từ chiếc đèn gương, im lặng lắng nghe tiếng hát thơ ê a kể lại những câu chuyện xa xưa.

Những chuyện đó họ đã nghe qua nhiều lần, thật là cảm động. Có người đã thuộc lòng nhưng vẫn còn muốn nghe mãi. Thỉnh thoảng lại có tiếng tiền đồng, tiền xu rơi vào chiếc thau bằng nhôm nghe rỏn rẻng, đó là tiền thưởng của người nghe thơ tặng cho người hát thơ. Ở miền Trung gọi đó là Nói vè; miền Bắc thì có hát xẫm và Nam bộ gọi là hát thơ.

Hát nói

Sở dĩ không gọi là hát vè mà là nói vè vì vè là một câu chuyện bằng thơ, đa phần là thơ lục bát, chủ yếu nói lên, kể lại một câu chuyện đặc biệt xảy ra tại địa phương hoặc những truyện nôm cổ do các tác giả vô danh sáng tác. Những vè Mã Long, Mã Phụng, vè Thất thủ kinh đô, vè Phạm Công – Cúc Hoa, vè Thầy Thông Tằm… từ lâu đã trở thành tài sản chung của dân gian, được đón nhận với thái độ thân ái xen lẫn sự kính trọng vì truyện thơ nào cũng đề cao đạo lý, nghĩa tình, dạy người ta làm lành, lánh dữ. Về mặt dựng truyện, truyện nào cũng có mở đầu, kết thúc lớp lang, có thắt có mở, có mâu thuẫn xung đột y như tiểu thuyết và kịch. Vì phải dùng vần điệu để diễn tả hành động nên lời thơ ít được trau chuốt, hoa mỹ. Nhằm phục vụ giới bình dân nên lời thơ vô cùng dung dị, rất gần gũi, dễ hiểu. Kể chuyện một viên chức nhà nước tên là Thông Tằm, làm chức Thông phán tại tỉnh Bình Định, có vợ bị tên phu xe cưỡng hiếp và giết chết, sau đó hiện hồn lên chỉ lối cho chồng đi tìm xác mình, bài vè mở đầu như thế này:

“Có người Bình Định tỉnh thành
Làm việc nhà nước mỹ danh Thông Tằm…”

Thật không gì dễ hiểu, rõ ràng hơn. Tả cảnh quân ta đánh nhau với giặc Pháp thời chúng tiến chiếm kinh đô Huế, bài vè “Thất thủ kinh đô” có những câu:

“Súng Tây bắn chết thiệt nhiều
Súng mình cứ bắn phiêu phiêu lên trời…”

Chỉ hai câu mà gợi lên được hình ảnh cuộc chiến tranh không cân sức giữa bọn thực dân có xe tăng, đại bác, súng ống tối tân với một bên tuy lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu có thừa nhưng vũ khí quá thô sơ, thiếu thốn. bắn “phiêu phiêu” là bắn không trúng đích, “thiệt nhiều” là thật nhiều… những tiếng phương ngữ miền Trung tạo cho câu vè thêm nét đặc biệt.

Ở Nam bộ người ta gọi loại hình nghệ thuật này là Nói thơ. Thơ không chỉ được hiểu là những bài thơ ngắn, riêng lẻ mà còn dùng để gọi “một truyện thơ” dài như truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu hay truyện “Thơ Sáu Trọng”… Người ta gọi đó là một “bổn thơ” và hình thức diễn xướng được gọi một cách đơn giản là “Nói thơ Lục Vân Tiên” hay “Nói thơ Sáu Trọng”.

Giai điệu “nói thơ” không có gì cầu kỳ, chỉ tới lui một điệu, chủ yếu là nói, là kể chuyện còn lên bổng, xuống trầm, ê a nhịp với tiếng đàn, tiếng trống để cho dễ nghe thôi vì thế mà gọi là “nói” chứ không dùng tiếng “hát”.

Nói rộng ra, từ xưa đến nay, khắp cả nước ta, đâu đâu người ta cũng “hát thơ” và không ngừng phổ biến những điệu dân ca, những điệu hát cổ truyền của dân tộc. Hát dân ca tức là hát thơ vì hầu hết các điệu lý, điệu hò, hát ru, hát ví, hát dặm, hò kéo gỗ, hò chèo thuyền… đều xây dựng trên thơ lục bát. Ông cha ta xưa đã đem thơ lục bát cắt ra từng đoạn, đảo trước ra sau, sau ra trước, lặp lại nhiều chỗ, thêm các tiếng đệm, những trợ từ mà biến hóa câu thơ thành một ca khúc lạ tai; hấp dẫn, tình tứ, thiết tha. Những tiếng đệm như: ối a, tình bằng, tình như, hò ơ, khoan hỡi hò khoan, hò dô ta, ô tang tình tang, qua lối, ầu ơ… thêm vào câu hát đã phong phú hóa giai điệu.. Chỉ hai câu :

“Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa”

Mà có thể chuyển thành rất nhiều bài Lý con sáo như Lý con sáo Bắc, Lý con sáo Huế, Lý con sáo Quảng, Lý con sáo Gò Công, Lý con sáo Cải lương… Cũng chỉ do hai câu lục bát:

“Ngưạ ô anh khớp kiệu vàng
Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh”

Mà không những ta có Ngựa ô Nam:

“Khớp con ngựa ngựa ô
Ngựa ô anh khớp, anh khớp cái kiệu vàng
Ứ ư ừ ứ ư
Anh tra khớp bạc…”

Mà lại có thêm ngựa ô Huế:

“Ngựa ô…à ô, ý a ơ ngựa ô à ô
Ngựa ô anh khớp”

LIỆU ĐỊNH NGHĨA “HÁT THƠ” NHƯ THẾ NÀY CÓ CHÍNH XÁC CHĂNG?

“Hát thơ”, một "thể loại mới" của CLB Ca trù - Hát thơ thuộc Đại học Dân lập Hùng Vương TPHCM?

Hát thơ là dùng những điệu hát dân ca của cả 3 miền đất nước để hát với những câu thơ, khổ thơ, bài thơ. Tùy tính chất, nội dung thơ mà người trình diễn chọn cho mình một điệu hát dân ca cho phù hợp, có thể là hò, vè, lý, chầu văn, ca trù, tài tử... Hát thơ cũng là công trình khoa học do tiến sĩ Nguyễn Nhã chủ trì nghiên cứu để dùng như một phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy môn Tiếng Việt và môn Văn cho học sinh cấp 1, 2, 3. (Trích báo)

Ta thấy các tác giả đã cắt thơ ra, đảo lên, đảo xuống, lặp lại nhiều chỗ và sử dụng tiếng đệm mà tạo nên những giai điệu vui tươi, duyên dáng. Nước ta có 3 miền, mỗi miền một giọng. Các câu dân ca đi qua các địa phương được người bản địa chỉnh sửa, thêm thắt, càng ngày càng trở nên phong phú về lời ca cũng như giai điệu. Tập thể đã góp phần sáng tác, thời gian đãi lọc, cái dở mất đi, cái hay còn lại và đặc biệt là không ai đòi bản quyền, không ai ký tên, cái kho tàng hằng chục ngàn bài dân ca trở thành của chung của dân tộc. Có một điều rất thú vị là chỉ với hai câu lục bát, bạn có thể hát lên một lúc thành hai ba chục điệu ca khác nhau. Ví dụ bài Qua cầu gió bay, dân ca Quan họ Bắc Ninh:

“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”

Bạn có thể hát thành: Trống Quân, hát ru miền Bắc, Sa mạc, Bồng mạc, hò Huế, Lý tình tang, hò Đồng Tháp, Ngâm Kiều, Nói thơ Lục Vân Tiên, Hò mái nhì, mái đẩy, Chầu văn… Đó là một lối hát thơ hình như ở ta mới có cũng như thơ lục bát vốn là “đặc sản” của riêng Việt Nam ta.

Vui cũng hát, buồn cũng hát, làm việc cũng hát, nghỉ ngơi lại càng hát, đánh giặc cũng hát; hát trên công trường, trên đồng lúa, trên sông dài, biển lớn, trên thao trường, trong rừng, trên đồi… đâu đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng hát bay lượn giữa đời, mà lại toàn hát… thơ; thật không còn gì đẹp hơn, lãng mạn hơn và dễ thương hơn.

TIÊU LANG




Không còn mùa thu - thật đẹp lối hát thơ

Tôi rất yêu những bài hát thơ, mà thường ở thể loại này thì giai điệu sao du dương và đẹp đẽ đến thế
Đã từ lâu rồi Việt Nam tồn tại lối hát thơ rất đẹp có lẽ bắt nguồn từ những bài hát phổ nhạc cho thơ... những câu thơ thi vị, sâu sắc và du dương như tiếng nhạc được hát lên với những giai điệu thiết tha... nghe những bài hát như thế người ta ko chỉ thấy hay mà còn chìm đắm vào từng câu hát, từng vần thơ để rồi thấy bâng khuâng, nhớ nhung mơ hồ một điều gì đó ngay cả khi tiếng nhạc đã kết thúc.

Không còn mùa thu trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru mơ trên môi mềm
Em thơ như mùa xuân đầu, nối dài đêm thâu


Câu hát ngân lên không còn mùa thu nhưng lại đưa ta chìm đắm vào một đêm thu huyền ảo với bậc thềm và mảnh trăng rơi. Ánh trăng ko chỉ chiếu rọi mà từng mảnh trăng như tan ra trong ko gian, len lỏi vào những đám lá để rồi in bóng chúng lên bậc thềm... và nơi đó có em thơ tươi trẻ và đầy sức sống như mùa xuân đầu... Câu hát như một lời ru mơ trên môi mềm mặc dù đó là lời ru của quá khứ, một lời ru đã qua

Anh là mùa thu cho em mơ màng
Anh là lời ru quấn quýt bên nàng
Em đi tiếc gì thu vàng, tiếc gì xuân sang


Dường như chàng trai không thể thoát khỏi mùa thu lãng mạn của quá khứ... Chàng trai yêu, ngưỡng mộ và tôn thờ người con gái, tự ru mình vào trong cảm giác bồng bềnh của đêm thu trước đây... Tình cảm của anh vẫn còn đó ngay cả khi người con gái đã đi, cảm giác nuối tiếc và muốn níu kéo người yêu xưa, cho dù mùa thu đã qua nhưng trong anh mùa thu sẽ tồn tại mãi mãi và dường như chàng chỉ cần cô gái hiểu được điều đó

Còn thương nhớ nhau về thắp sao trời
Còn thương nhớ nhau từng đêm bão tố
Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về


Câu hát tràn ngập những hình ảnh... đó là những kỷ niệm đẹp xưa vẫn day dứt trong lòng chàng trai. Vẫn là sự nuối tiếc, dường như tình yêu chưa kịp bắt đầu thì đã vội mất đi, tình cảm mà sao mỏng manh dễ vỡ và khó nắm bắt cũng như chính mùa thu vậy, và khi qua đi luôn để lại sự bâng khuâng, tiếc nuối đến vô bờ. Khi xa nhau người ta mới thấy tình cảm ấy thật sâu nặng biết bao, những tiếng hát kêu gọi tình cảm quay trở lại cũng chỉ để an ủi tâm hồn của chàng mà thôi.

Đường ta đã qua chìm khuất chân trời
Đường ta sẽ qua nào ai biết tới
Chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru hồn lên thơ


Câu thơ trở về với hiện tại... Cho dù mùa thu ấy có đẹp, tình cảm ấy có lãng mạn đến đâu thì chàng trai cũng phải chấp nhận sự thực là nó đã qua rồi. Quá khứ đã lùi vào dĩ vãng, tương lai thì không biết cái gì chờ đợi mình ở phía trước, chàng trai buộc phải sống với chính hiện tại của bản thân... Chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru hồn lên thơ một sự rũ bỏ quá khứ, cho dù nó thật khó khăn và mệt mỏi... Có lẽ sự lãng mạn đó sẽ được dành cho một người khác, để vun đắp một tình cảm khác, với mùa thu khác sẽ rực rỡ hơn và sẽ hàn gắn được tâm hồn chàng.

Tôi rất yêu những bài hát thơ, mà thường ở thể loại này thì giai điệu sao du dương và đẹp đẽ đến thế, nhất là những bài hát chậm buồn thì thường đọng lại trong lòng rất nhiều cảm xúc sau khi nghe...

Không còn mùa thu

Sáng tác: Việt Anh.
Thơ/lời: Lê Quốc Dũng.

Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu

Anh làm mùa thu, cho em mơ màng
Anh làm lời ru, quấn quýt bên nàng
Em đi, tiếc gì thu vàng, tiếc gì xuân sang

Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời
Còn thương nhớ nhau, từng đêm bão tố
Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về

Đường ta đã qua, chìm khuất chân trời
Đường ta sẽ qua, nào ai biết tới
Chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru buồn lên thơ

Chiều buông rã rời
Ru lòng thôi mơ, ru buồn lên thơ

Theo Pisoga3000

Ngâm thơ

Ngâm thơ là một thể loại biểu diễn chỉ có ở Việt Nam, mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc Việt. Người Viễn Xứ xin trả lời một số câu hỏi tập trung nhất.

Nghệ sĩ Hoàng Oanh, một trong những giọng ngâm ngọt ngào ở Sài Gòn trước đây.

- Học đệm thơ, ngâm thơ ở đâu?

- Đó là câu hỏi chẳng có vẻ gì bí hiểm nhưng đến nay không ai có thể trả lời dứt khoát cho câu hỏi này!

Những  năm 1980, lúc danh cầm đàn  tranh Bửu Lộc sinh thời, cả TP Sài Gòn hầu như chỉ có mình ông là nghệ sĩ đệm thơ. Bây giờ, những năm gần đây, nghệ sĩ Thạch Cầm - một người học trò của "mệ" Bửu Lộc - kế tục cái ngôi vị "độc nhứt " đàn tranh cho bộ môn ngâm thơ Sài Gòn! Sáo trúc đệm thơ thì có  vẻ "phong phú" hơn chút ít với các nghệ sĩ Tô Kiều Ngân, Trần Thanh Trung, Bảo Cường… Theo chúng tôi biết, trong số các nghệ sĩ đàn, sáo này chỉ có Trần Thanh  Trung là thuộc Nhạc Viện TP với vị trí lãnh đạo Khoa Nhạc cụ dân tộc. Vậy mà Trung cũng cười trừ: "Chúng tôi chưa từng dạy cho sinh viên Nhạc viện đệm thơ và ngâm thơ !". Ngâm thơ xuất hiện ở nước ta sớm hơn hát bộ, cải lương, tân nhạc. Vậy thì... học đệm thơ, ngâm thơ ở đâu bây giờ? Trong các cuộc Hội thi ngâm thơ, không ít lần khán giả tiếc rẻ cho nhiều thí sinh có chất giọng rất tốt nhưng lại "lọt chọt" khi xử lý kỹ thuật các làn điệu. Nếu có những trường lớp nghiêm chỉnh, chắc chắn bộ môn truyền thống ngâm thơ sẽ có thêm nhiều viên ngọc sáng.

- Có một nhu cầu thực sự về chương trình audio thơ hay không?

- Xin khẳng định ngay là có! Không ít người Việt định cư ở nước ngoài hoài nhớ giai điệu quê hương, khi về nước tự  bỏ tiền ra tổ chức thu băng – dĩa CD ngâm thơ, phần lớn là thơ "tiền chiến". Cũng có một số nhà thơ tự tổ chức thu âm tác phẩm của mình (để kỷ niệm và tặng bạn bè là chính). Nhiều chùa, nhà thờ thu băng kinh kệ, thơ tôn giáo... Người trong nước thèm khát nghe thơ chẳng khác gì người Việt hải ngoại, bởi lẽ đã 20 năm qua, hầu như chưa có một chương trình audio thơ nào được phát hành chính quy, biên tập nghiêm chỉnh, thu thanh công phu... Gần đây có xuất hiện trên thị trường một vài chương trình audio (băng cassette và CD) nhưng các chương trình đọc truyện và ngâm thơ này có vẻ được biên tập, thực hiện hơi vội vàng, âu cũng là điều chưa hay.

Tác phẩm - tác giả không thiếu, diễn viên - nhạc công sẵn có, người yêu thơ trong nước và hải ngoại đang chờ đợi, vậy thì... công việc cuối cùng là của các nhà sản xuất chương trình vậy!

- Tổ chức đội ngũ cho các nghệ sĩ biểu diễn thơ thì sao?

- Họ là nghệ sĩ biểu diễn, giọng đọc giọng ngâm của họ gắn liền với đàn, sáo nhưng họ không phải là ca sĩ nên Hội Âm nhạc từ chối họ. Họ là người đứng trên sân khấu nhưng càng không phải là diễn viên kịch, tuồng, cải lương nên Hội Sân khấu không thể dung nạp. Họ là nghệ sĩ chỉ tồn tại bằng thơ ca nhưng lại không phải là nhà thơ để mong được Hội Nhà văn kết nạp... Chẳng lẽ trong nền VHNT của chúng ta chẳng nơi nào có một chỗ "chiếu trống" để mời họ ngồi cùng bàn cùng mâm cho vui? Nếu như Hội Âm nhạc có thể quy tụ cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ, Hội Sân khấu quy tụ cả tác giả lẫn diễn viên thì tại sao các nghệ sĩ biểu diễn thơ lại không được xem như một thành viên trong Hội Nhà văn nhỉ? Nên chăng Hội Nhà văn tổ chức một Câu lạc bộ Thơ (hình như nhiều năm về trước Hội Nhà văn TPHCM đã từng làm, nhưng CLB ấy không tồn tại nổi), quy tụ về các giọng ngâm, đọc thơ chuyên nghiệp hoặc đã được quần chúng công nhận, xây dựng CLB thành nơi giới thiệu tác phẩm của các hội viên sáng tác, tổ chức những chương trình kỷ niệm các nhà thơ quá cố... trên tư cách một "sân khấu thơ" chuyên nghiệp. Có lẽ kinh phí không tốn kém nhiều mà hiệu quả văn học không thể không nhìn thấy!

Một bìa CD thơ tình do hai nghệ sĩ Hồng Vân - Bảo Cường thực hiện

- Thơ mới sáng tác hiện giờ có diễn ngâm được  không?

- Nói đến ngâm thơ, nhiều người liền nghĩ ngay đến thơ "tiền chiến", còn thơ sáng tác bây giờ thì chỉ có... tác giả tự đọc nỗi mà thôi! Lẽ dĩ nhiên, tác giả tự đọc thơ mình vẫn có cái hay riêng, vì mình viết mình hiểu mình đọc. Nhưng đâu phải nhà thơ nào cũng có chất giọng chinh phục khán giả, đặc biệt là các nhà thơ miền Nam thì... Ngoài sách báo, các tác phẩm thơ còn được chuyển tải đến người yêu thơ bằng "nghe nhìn", tức là diễn ngâm diễn đọc. Thơ bây giờ, trừ những bài quá "trừu tượng", "hủ nút" còn phần lớn đều có thể diễn ngâm diễn đọc được cả. Không nên có quan niệm cho rằng: thơ dở mà ngâm thì cũng thấy hay! Khi bài thơ được thể hiện thì nghệ sĩ biểu diễn phải có trách nhiệm với tác phẩm mình trình bày. Nếu thơ ta dở, nghe ngâm lại thấy hay hơn thì nên có lời khen, cám ơn nghệ sĩ ngâm thơ đã góp phần nâng tác phẩm của ta lên. Nhưng không vì được ngâm mà bài thơ dở lại thành hay, giống như thơ chưa hay mà in thành sách thật đẹp, bìa mạ vàng thì vẫn "hoàn mèo" mà thôi!HTC

Giải thưởng Hội nhà văn TPHCM trao cho tập ‘Hát thơ’ đã lạc quan dự báo, những người làm thơ ở các câu lạc bộ quận, huyện đều có tiềm chất nhà thơ tầm cỡ quốc gia, và chuyện đoạt giải thưởng văn học chỉ sớm hay muộn mà thôi.

Nhà thơ Thanh Nguyên là một người viết lặng lẽ. Ngay cả khi chị đứng trong Ban chấp hành Hội nhà văn TP HCM suốt hai khóa cũng không có hoạt động hay đánh giá gì đáng để dư luận quan tâm. Chị có cách sống của một người an phận, bỏ phiếu theo đám đông và chìm khuất theo đám đông. Ngoài đời, tôi không gặp chị nhiều, nhưng vẫn có thể cảm nhận đó là một người phụ nữ chân thành, một người vợ nhẫn nhịn, một người mẹ hiền hậu. Chị chọn một công việc không liên quan đến chữ nghĩa, và làm thơ như một sự giãi bày.

Từ năm 1997 trở về thuở ban đầu cầm bút, nhà thơ Thanh Nguyên đã in ba tập thơ dày mỏng khác nhau, nhưng có bài thơ Lỗi hẹn cùng ca dao khiến tôi phải quan tâm đến thơ chị. Một bài thơ lục bát nhuần nhị thôi, nhưng day dứt: "Em ngồi giặt áo lặng thinh / Vò cho sạch những vết tình còn vương / Giũ cho rơi bớt giọt buồn / Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời… Đàn Kiều được mấy khúc vui / Thơ Kiều có vận vào đời em chăng? / Tình so chưa đủ ngũ âm / Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi".
Trang bìa tập thơ.

Trong những nữ sĩ thành danh tại Sài Gòn tính từ 1975 đến nay, Thanh Nguyên không có cái cồn cào như Thảo Phương, không có cái đắm đuối như Phạm Thị Ngọc Liên và cũng không có cái dịu ngọt như Lê Thị Kim. Thơ Thanh Nguyên một thời thuyết phục người đọc qua sự tự vấn và dằn vặt.

Sau 10 năm để tên tuổi trôi đi im ắng, Thanh Nguyên in tập Hát thơ tại NXB Lao Động, giúp những ai từng chú ý thơ chị được dịp hồi hộp. Khi Hát thơ vừa phát hành, tôi dự định dành cả ngày để đọc, nhưng loáng nửa buổi đã hết 160 trang. Và lúc Hát thơ được trao giải thưởng Hội nhà văn TP HCM, tôi mang ra nghiền ngẫm một lần nữa, và cũng khép lại cuốn sách rất nhanh vì thơ chị dễ hiểu quá. Tôi chợt thấy một Thanh Nguyên đã khác. Không còn Thanh Nguyên "rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng" nữa, mà "khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa", thơ chị bây giờ thỏa hiệp với thực tại để an ủi bản thân. Bỏ qua nhiều bài thơ viết cách đây mấy chục năm như Tình yêu của biển và rừng, Bạn ở lại hay Tết nội trú, Hồi ký ngắn có lẽ để in báo tường nào đó, mà nay Thanh Nguyên gom hết vào Hát thơ như một cuộc tổng kết kỷ niệm, thì không khí chủ đạo của tập thơ này ít nhiều bộc lộ ở bài Nghêu ngao thơ hát:

Dặn lòng thôi đừng hoài cổ
Cho bằng bốn biển năm châu
Đành mất chút hương vị cũ
Nghêu ngao thơ hát thay vào

Với một người làm thơ có ý thức, tiến trình kết tinh một tác phẩm bao hàm ba yếu tố: năng lực ghi nhận, tư duy hình tượng và kỹ thuật thể hiện. Nhà thơ Thanh Nguyên hầu như không màng đến hai yếu tố sau, cho nên thơ chị giống như những tấm ảnh nắn nót chụp lại những khoảnh khắc đã trải qua. Vì vậy bạn đọc sẽ thất vọng nếu muốn chờ đợi ở Hát thơ một cuộc sống được nhìn qua thơ một cách tinh tế hơn, thăm thẳm hơn hoặc khắc khoải hơn. Chủ yếu tập trung quan sát, thơ Thanh Nguyên xuất hiện rất nhiều loại màu. Hết "lấp lánh màu mưa ngâu" lại đến "tim tím màu tà dương". Hết "trăng úa màu từ lúc biển tan" lại đến "xem trăng rụng vẫn tươi màu". Hết "tháng chạp nào chẳng xám màu mây" lại đến "câu đối tết thắm tươi màu liên tưởng". Hết "mẹ như áo trắng ngả màu, dọc ngang nghìn sợi cần lao úa vàng" lại đến "trên đường đời dẫu rủi may, cũng hằn lên sợi tóc mây ngả màu". Hết âu lo "cớ chi khi tóc phai màu, chuông chùa vọng vào ta lời hạnh ngộ" lại đến bồn chồn "nụ hôn ngả màu tím úa, vượt qua không khỏi thời gian". Thậm chí, nhà thơ thích thú cảm hứng "văn chương kim cổ nhuộm màu thời gian" đến mức bài Không đề 26/6, có câu trên vừa "sậm dần màu bóng tối" thì ngay câu dưới tiếp tục "nhuộm dần màu hoàng hôn". Liệu có phải ánh mắt nhà thơ nhạy cảm hội họa quá chăng, mà nhìn đến đâu bỗng bật màu ra đến đấy! Tôi tin rằng, độc giả cần có một trình độ kiên nhẫn nhất định mới có thể liệt kê hết mấy chục chữ “màu” trong 94 bài của "Hát thơ".

Sự lúng túng ngôn từ khiến giá trị biểu đạt những câu thơ của Thanh Nguyên loay hoay giữa hoa mỹ điệu đà. Ví dụ, "gánh hoa vạn thọ vàng khoe nắng vàng" rồi "ti gôn phơ phất uốn quanh thềm" hay "lục bình hoa nở làm duyên giữa nhà" vô tình làm hạn hẹp vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh. Xuất phát từ tâm niệm "không chờ không nhớ không mơ, tôi đi tìm nhặt ý thơ yêu đời", thơ Thanh Nguyên đơn giản đến độ nôm na. Không những tên bài thơ không có sức gợi mở như Một thoáng Sa Pa, Thì thầm thông điệp hay Thổ lộ 20/11, mà hình ảnh thơ cũng đơn điệu và tẻ nhạt như "anh có về gom những rơi vãi mùa xưa, này những hạt tình óng ánh ngây thơ" hay "có em mắt biếc tay che nụ cười". Nếu tạm chấp nhận những lời bóng bẩy ấy là thơ tình, thì có lẽ chỉ phù hợp với các cụ già tha thiết tập dưỡng sinh, chứ thanh niên dùng để tán tỉnh nhau kể ra cũng hơi ngượng miệng.

Nếu đọc Hát thơ một cách nhẩn nha, có thể độc giả cũng đồng cảm với Thanh Nguyên những tâm tình nhẹ nhàng thân thuộc. Chị ngoảnh lại Nơi có nội rưng rưng thương nhớ: "Không còn bóng nội lom khom quét lá / Chổi tài cau loẹt xoét đón mặt trời / Phải vì thế mà nắng không chịu tắt / Trên những buồng dừa trĩu nặng buồn vui". Chị nhận ra Điều chưa ảo trong kết nối toàn cầu: "May mắn! Ngõ nhà còn rất thực / Tan sở… chợ về… đưa đón con / Niềm vui sum họp chưa là ảo / Bỏ lúc ngồi trước máy cô đơn". Phận đàn bà chịu đựng giữa nhoáng nhoàng xã hội đổi thay, Thanh Nguyên có được bài thơ Trời xanh đến thế thì thôi khá trắc ẩn:

Dù nản lòng
Cũng xin gác qua bên
Nỗi lo sợ về một ngày tắt nắng
Nhỡ bầu trời không còn là mái che tĩnh lặng
Nhỡ trái đất trụi màu xanh…
Dù sao
Sáng nay em vẫn còn anh
Ta bên nhau ít ra nhiều ngàn ngày nữa
Mùa xuân hứa với em điều đó
Bằng cái vuốt ve của ngọn gió lắm lời…

Lẽ ra, dừng ở đây là đủ để lại dư âm, nhưng nhà thơ của chúng ta ngỡ bài thơ cũng cần có một cái kết luận như hội nghị biểu dương gia đình văn hóa nên viết tiếp hai câu: "Trời xanh đến thế thì thôi / Mình yêu nhau thế còn đòi gì hơn". Hai câu hứng khởi thêm vào cứ tưởng nâng bài thơ lên, ai dè lại kéo bài xuống!

Sự đời quái lạ, khi đã muốn vinh danh thì người ta luôn tìm những đặc tính lộng lẫy nhất để gán cho một tập thơ. Với Hát thơ cũng vậy. Tác giả không có cao vọng gì về sáng tạo, nên những câu thơ như làm ra để hát. Để bênh vực cho Hát thơ thì tôi đành đánh giá: thơ Thanh Nguyên là thứ thơ đằm thắm và ngợi ca những nghĩa tình vốn còn rất ít ỏi trên thế gian. Tôi dám chắc những người đồng tình trao giải thưởng cho Hát thơ cũng chọn cách biện giải ấy. Loại thơ làm ra để đọc thì nghĩa nằm dưới chữ, còn loại thơ làm ra để hát thì nghĩa nằm trên chữ. Tuy nhiên, ngoài những phép ví von mà từ lâu ít ai dùng nữa như "ngày xuân xưa mượt như tơ", "tiếng cười con trẻ rộn như chim" hay "tâm hồn Nga như sóng mãi vỗ bờ", thơ Thanh Nguyên còn dùng nhiều sáo ngữ như "ngậm ngùi mộng phai", "rũ cánh uyên ương", "dịch chuyển trần ai", "bụi trần khoan lấm hồn ngoan" mà những người viết bài ca vọng cổ theo kiểu xàng xê hay thể thức tứ đại oán cũng rất hạn chế sử dụng.

Thành công đáng nhắc nhất của Hát thơ phải kể đến chuyện tác giả mạnh dạn từ chối rối rít vần điệu để bung ra những câu dài tung tẩy nghĩ suy. Dù nhiều đoạn chấp chới giữa thơ-văn-xuôi và văn-xuôi-xuôi nhưng cũng có những câu mạch lạc như bài Chợ giữa núi xôn xao: “Ở đây mua bán hồn nhiên quá, chỉ thấy áo sờn không thấy tiếng đãi bôi…" hoặc bài Buổi khai sáng và điều răn để lại băn khoăn: "Còn mãi lung linh những đoàn người Việt cổ tuần hành như bóng đèn kéo quân - nhắc cho ta, hậu thế biết bảo tồn vốn ánh sáng buổi bình minh ban tặng. Kịp dừng lại bước chân háo thắng đừng lỡ lầm mở cánh cửa hoàng hôn…”.

Nhà thơ Thanh Nguyên là một người phụ nữ thật thà và tự trọng. Chị luôn ở một góc khuất nhìn ra thế giới để hiểu Sự tích tiếng thở dài thị phi: "Lấy vàng đổi sự lặng thinh / Chắt chiu ngần ấy để dành cho ai? / Chọn ra được tiếng thở dài / Một lần cũng đủ giải khuây nỗi niềm".

Danh lợi đối với chị rất phù phiếm, mà giải thưởng văn chương đối với chị còn phù phiếm hơn. Một tập thơ ứng thí, một giải thưởng nghề nghiệp, không khác gì một thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu. Cái tiêu chí khao khát tìm tòi của một giải thưởng nghề nghiệp cũng giống như quy định thí sinh phải tốt nghiệp trung học phổ thông ở cuộc thi Hoa hậu. Nhà thơ Thanh Nguyên lấy hai câu "một mình tôi khẽ khàng thôi / hát thơ mộng giữ cho đời chút mơ" in ngay ở trang bìa như một sự bộc bạch gan ruột. Hai câu thơ ấy giống như cái bằng chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, và chị không hề tự nhận mình đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Thế nhưng, trên mặt bằng văn chương bấn loạn khuynh hướng, Hội nhà văn TP HCM vốn thường trực sự độ lượng đã trân trọng mời nhà thơ Thanh Nguyên khoác vẻ đẹp thi ca truyền thống đến ứng thí và trao cho chị giải thưởng - vương miện Hoa hậu văn chương phương Nam năm 2008. Biết làm sao được, những sự bất ngờ bao giờ cũng mang lại thú vị cho người này hoặc người kia.

Mặt khác, giải thưởng Hội nhà văn TPHCM trao cho tập Hát thơ cũng đã trực tiếp lạc quan dự báo những người làm thơ ở các câu lạc bộ quận, huyện đều có tiềm chất nhà thơ tầm cỡ quốc gia, và chuyện đoạt giải thưởng văn học chỉ sớm hay muộn mà thôi.

Theo : VnExpress

Những bài thơ phổ nhạc



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á
Đất nước tiến lên đỉnh cao Mại Dâm chủ nghĩa, hoa hậu, hoa khôi giá cao, hoa hậu thế giới VN cao nhất 200 triệu đồng/phát
Nỗi nhục dân tộc do những công dân gương mẫu CSBV tức CHXHCNVN

     Đọc nhiều nhất 
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi [Đã đọc: 828 lần]
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 472 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 405 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 367 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 343 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 340 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 291 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 280 lần]
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975 [Đã đọc: 247 lần]
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng [Đã đọc: 244 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.