Vietnamville http://www.vietnamville.ca

Covid TQ tần công VN tàn phá kinh tế, xã hội cận tử
07.09.2021

Phạm Trần (Danlambao) - “Mỗi tháng có 10 nghìn Doanh nghiệp đóng cửa; hàng triệu công nhân mất việc; đứt gánh cung ứng thị trường; nông, ngư sản tồn đọng; nhiều nước ngưng mua hàng Việt Nam; đầu tư nước ngoài giảm; hàng không, vận tải lâm nguy; kinh doanh khách sạn, bất động sản, du lịch tê liệt; nợ nần chồng chất, đe dọa bị phá sản; nhập siêu tăng; xuất khẩu giảm; Nhân dân bất an; Thanh niên hoang mang trước tương lai đen tối trong khi dịch Covid-19 vẫn sống mạnh, lan nhanh, ngấm sâu…” là những mối nguy kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam trong 3 tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.


Covid-19 đang giết kinh tế Việt Nam

< A >
Tình hình này không do phóng đại thực tế mà đang diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu kinh tế trọng điểm của Việt Nam ở vùng Sài Gòn, Bình Dương và hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ở miền Bắc.

Bằng chứng: "Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%." (theo báo VietNamNet, ngày 29/08/2021)

Nông-ngư dân lâm nguy

Thêm vào đó, khối lượng nông và ngư sản bị tồn đọng vì thương lái ít mua, giảm giá, xuất khẩu bị đình trệ vì nhiều khách hàng nước ngoài ngưng mua do dịch Covid đợt 4 biến chứng Delta nguy hiểm hơn.

Tình hình này đã được công bố tại "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021", ngày 6/8/2021.

The Bộ Công Thương Việt Nam thì: "Hiện nay lượng hàng nông sản, thuỷ sản và sản phẩm chăn nuôi ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên cần được tiêu thụ khá lớn. 

Cụ thể, khu vực này có khoảng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 400 triệu quả trứng và hàng chục ngàn tấn gia súc, gia cầm... đang đến thu hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khâu thu hoạch, vận chuyển, đến chế biến tiêu thụ đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số thị trường truyền thống và đối tác lâu năm dừng nhập hàng nên đầu ra các sản phẩm bị ách tắc." (theo báo Tiền Phong o­nline, ngày 06/08/2021)

Trong khi đó, báo Công an Nhân dân CAND) phản ảnh: "Do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ hải sản giảm mạnh kéo theo giá cả mặt hàng các loại tôm, cá tụt giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.” (báo CAND, ngày 30/05/2021)

Lý do ngư dân và người nuôi trồng thủy sản gặp khó vì rất nhiều quán ăn, nhà hàng đóng cửa, xuất khẩu đình trệ, giá bán ra thấp hơn chi phí hành nghề và nuôi ăn tôm cá, theo phản ảnh của các Hiệp hội ngư sản. Thêm vào đó, các Doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn vì khách nước ngoài đình chỉ mua hàng.

Một ngư dân nói: "Giá các mặt hàng tôm, mực, các loại cá đều giảm so với trước nên trừ chi phí, mỗi bạn thuyền chỉ được nhận vài triệu đồng sau chuyến đi biển. Nếu dịch bệnh COVID-19 kéo dài, lo sợ mức tiêu thụ hải sản tiếp tục tụt giảm trong thời gian đến." (CAND, 30/05/021)

Trong khí đó, báo Quảng Bình điện tử (QBĐT) đưa tin: "Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đứng trước nguy cơ “vỡ nợ” do không tiêu thụ được sản phẩm.”

QBĐT nêu tỷ dụ: "Chị Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Lâm, đóng tại địa bàn xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, công ty chuyên thu mua thủy sản của người dân xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục tấn cá của công ty không xuất khẩu được dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng.

Thời điểm hiện tại, việc tiêu thụ hải sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thị trường Trung Quốc bị đình trệ, tiêu thụ trong nước cũng bị hạn chế do nhiều nhà hàng, khách sạn… tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch.”

“Theo ông Đỗ Hải Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sông Gianh Quảng Bình, công ty chuyên xuất khẩu hải sản đông lạnh bằng đường biển sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến giá cả các nguyên liệu phụ, cước phí vận chuyển tăng, quá trình vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, hàng hóa tiêu thụ giảm 70-80%.” (theo báo QBĐT, ngày 31/07/021)

Hàng không-du lịch ngấp ngoái

Cũng vì bệnh dịch mà các ngành Hàng không dân sự, vận tải du lịch và khai thác khách sạn cũng sống dở, chết dở.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) thì: "Từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm. Doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện. Cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn".

“Tính đến 30/6/2021, các khoản công nợ quá hạn đối tác, nhà cung cấp của Vietnam Airlines lên đến 13.340 tỷ đồng. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.”

(Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 24/08/2021)

Trong khi đó, du lịch nội địa giảm đã làm cho kinh doanh du lịch xuống dốc thê thảm. Hàng trăm Khách sạn, Nhà nghỉ lớn nhỏ tại các Trung tâm dụ lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tầu v.v… đóng cửa, rao bán với giá bèo để gỡ vốn.

Tình hình này đã được phản ảnh trên báo Tiền Phong ngày 26/07/2021: "Từ khi đợt COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khách sạn đăng tin rao bán khách sạn ngày càng nhiều. Từ các quận trung tâm TPHCM đến phố cổ Hà Nội; các thủ phủ du lịch như Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ninh…, nơi nào cũng thấy thông tin rao bán khách sạn với giá hạ.”

Như vậy, số công nhân, nông dân, ngư dân, nhà sản xuất ngư sản và những người sống nhờ vào các ngành kinh tế cột trụ này như nhà buôn lẻ, công nhân vận tải, chuyên chở, nhà hàng ăn từ Bắc vào Nam là bao nhiêu triệu con người?

Thiệt hại khôn lường

Vì vậy, hãy lấy trường hợp của tỉnh Bắc Ninh để hiểu rộng ra cả nước. Theo bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi toàn cầu. Mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất đông, cao gấp 5 lần cả nước. “Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.” (theo báo CAND, ngày 28/05/2021)

CAND viết tiếp: "Riêng ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với Bắc Giang, Bắc Ninh là những địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Do đó, cần duy trì sản xuất của hai địa phương này. Đồng tình quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, nếu Bắc Ninh dừng sản xuất công nghiệp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nước.” (CAND, 28/05/2021)

Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp với hơn 400.000 công nhân tại 21 tỉnh, thành phố. Dịch COVID-19 đã lây lan sang công nhân của Công ty Samsung Electronics và Công ty Canon. Không có tin về tình hình lây lan tại Sumitomo Electric và Emtech.

Bắc Giang, có 222 doanh nghiệp với 55.400 lao động –35 Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đa phần từ Nam Hàn và Trung Hoa

Tuy nhiên, vẫn theo CAND, "Bắc Ninh chưa dừng toàn bộ hoạt động của cả khu công nghiệp. Trong khi đó, do dịch bệnh lây lan nhanh, tỉnh Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng từ ngày 18/5/2021. Theo quyết định mới nhất của UBND tỉnh Bắc Giang, từ ngày 28/5, các khu công nghiệp an toàn sẽ được sản xuất trở lại cùng với việc thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt.” (báo Công an Nhân dân, ngày 28/05/2021)

Sài Gòn lo âu tăng vọt

Ở miền Nam, đặc biệt tại vùng Sài Gòn (tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh), thì: "Đợt dịch bệnh lần thứ tư trở nên khốc liệt hơn khi đã xâm nhập vào các khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM. Trong bối cảnh đó, đảm bảo sự an toàn tối đa cho nhân lực nhằm không gây gián đoạn sản xuất trở thành nỗ lực đầy quyết tâm của các công ty nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.” (báo Pháp Luật o­nline (PLO), ngày 05/07/2021)

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các DN/KCN TP.HCM Nguyễn Văn Bé cho biết: "Hiện 18 KCN và Khu công nghệ cao tại TP.HCM có khoảng 1.500 DN đang hoạt động với khoảng 300.000 người lao động. Trong đó có khoảng 500 công ty đầu tư nước ngoài với hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên đang làm việc.”

Ông nói: "Trong ba đợt dịch trước, dịch COVID-19 không lây vào các KCN nên nền kinh tế nước ta không bị ảnh hưởng mà tiếp tục tăng trưởng, xuất siêu. Thế nhưng làn sóng thứ tư của dịch đã và đang lây lan trong các KCN, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta trong năm nay sẽ rất lớn.”

Báo PLO cho biết: ”Thực tế thời gian qua, một số nhà máy ở các KCN đã phát hiện một số ca nhiễm và bị phong tỏa, ngừng sản xuất. Thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho thấy đến ngày 1-7, đã có gần 20.000 công nhân, lao động phải ngừng việc do dịch.”

Tại Tỉnh Bình Dương, nơi có 29 khu công nghiệp hoạt động thì đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư. Trong đó 7 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc… có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với 313 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 5,61 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhưng đến nay (tháng 8/2021) địa phương ghi nhận có 86.050 ca nhiễm, chỉ sau Sài Gòn. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh báo cáo hiện toàn tỉnh có 4 "vùng đỏ" là Thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thị xã Tân Uyên, "vùng vàng" gồm Thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bang, "vùng xanh" gồm huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng. (theo ViệtNamExpress, ngày 27/8/2021)

Vì tình hình khẩn trương ở Bình Dương đã khiến Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính đề nghị: “Bình Dương cần tính toán dời dân 'vùng đỏ' vào doanh trại quân đội giúp giãn cách chống dịch” (theo VNEXPRESS, ngày 27/8/2021)

Trong khi đó tại TP HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của thành phố, cho biết: "Sau 8 ngày có xu hướng giảm, ngày 30/8, số ca tử vong tăng trở lại với 335 ca, nhiều hơn 90 ca so với ngày trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận 9.204 ca tử vong do Covid-19; trung bình mỗi tháng hơn 1.159 ca tử vong.”

(Theo MSN-VI-VN, ngày 23/08/2021)

Thêm vào đó, ngày 31/8, Bộ Y tế cho biết số ca nhiễm vẫn tập trung cao nhất tại bốn tỉnh phía Nam là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. TP HCM hiện ghi nhận tổng số 221.254 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, cao nhất cả nước.

Khó khăn ngập đầu

Vì dịch Covid gây ra từ năm 2019 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm nên Tổng cục Thống kê Việt Nam dự đoán mức tăng trưởng kinh tế sẽ rất xấu trong tương lai.

Báo Việt Nam Express (VNE), viết ngày 31/08/2021: “Những trụ cột của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng mạnh vì sự phức tạp của Covid-19, khiến bức tranh tổng thể nghiêng hẳn về chiều hướng xấu”.

VNE viết tiếp: "Tháng 7, tác động của đợt bùng phát thứ tư được GSO (General Statistics Office of Vietnam, Tổng cục Thống kê Việt Nam) đánh giá là "ảnh hưởng tiêu cực" đến sản xuất công nghiệp - một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Tháng 8, nhận xét này được thay đổi thành "ảnh hưởng nặng nề".

Bằng chứng: "Sản xuất công nghiệp tháng 8 ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% cùng kỳ, mức giảm cao nhất từ đầu năm (trừ tháng Hai do có 8 ngày nghỉ Tết). Trong đó, chế biến, chế tạo - lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng - giảm 9,2%, khai khoáng giảm 2,4%.

Con số này làm bức tranh kinh tế quý III trở nên khó đoán định, khi tháng 7, sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng đầu năm.”

Chi tiết hơn, vẫn theo VNE, thì: "Mức giảm mạnh nhất chủ yếu đến từ các tỉnh phía nam, bao gồm cả TP HCM, những nơi đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất của Bến Tre và Đồng Tháp giảm xấp xỉ 60%, TP HCM giảm hơn 49%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh và Sóc Trăng giảm trên 30%.

Riêng TP HCM, sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm hơn 22%, tính chung 8 tháng giảm 6,6%, về thấp hơn cả giai đoạn 8 tháng năm trước. "Nhiều nhà máy đã phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn".

Trước những hình ảnh u tối này, Báo VNE kết luận: "Khu vực công nghiệp giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao, tạo ra những điểm đứt gãy trong các chuỗi cung ứng. Đứt gãy không còn là những dự báo hay suy đoán, điều này đã bắt đầu xảy ra.

Như thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở phía Đông TP HCM đóng cửa. Hiệp hội này lo ngại nguy cơ toàn chuỗi sản xuất thuỷ sản đổ vỡ.”

Như vậy là “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ đã đi vào ngõ cụt nên ai cũng thắc mắc tự hỏi: Vậy những công tác như giãn cách xã hội, khoanh vùng, “ai ở đâu ở đó” và “chống dịch như chống giặc”, “3 tại chỗ (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ), 5K (Test Covid-19 - Tiêm chủng - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tận gia) đã làm được trò trống gì, hay chỉ làm cho dân điêu đứng hơn và kinh tế lụn bại thêm?

Ấy là chưa kể khi nhìn thấy Quân đội, xe tăng, trang bị vũ khí đầy người kiểm soát, đóng chốt đó đây ở Sài Gòn càng làm cho dân ngộp thở, tưởng như có binh biến.

Hay là đảng và nhà nước CSVN lo dân miền Nam sẽ nổi loạn như nhân dân Cuba hồi tháng 7 (2021) nên đã vội tăng cường lối 300 Cảnh sát cơ động từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn kiểm soát an ninh, nhưng nói là chống dịch?

Hoặc vì Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Giang đã lỡ kiêu ngạo nói rằng Quân đội “không thắng dịch không về” và không muốn bị mang tiếng đã thua trận nên Đảng và Chính phủ đã đánh loạn cào cào, càng múa càng làm cho tình hình rối như canh hẹ. -/-

(09/021)


COVID-19 làm kinh tế Việt Nam ‘kiệt sức, chết lâm sàng’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế dựa vào xuất cảng của Việt Nam khi hầu hết các công ty lớn nhỏ báo động “không thể cầm cự thêm được nữa”.

Hôm 6 Tháng Chín, truyền thông chính phủ CSVN đưa tin về cuộc họp của chính phủ cùng ngày, thảo luận “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” và “thể chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19”.

Công nhân một xí nghiệp ở Sài Gòn ngủ lại nơi làm việc theo lệnh “3 tại chỗ” của nhà cầm quyền. (Hình: Zing)

Hai ngày trước đó, tờ Thanh Niên dẫn lời ông Huỳnh Văn Sơn, giám đốc một công ty ở Sài Gòn nói trong cuộc họp với nhà cầm quyền địa phương: “Kiệt sức rồi, không thể chịu đựng thêm được nữa. Hầu hết các doanh nghiệp hiện coi như đã chết lâm sàng. Không phải do sức doanh nghiệp kém mà môi trường hiện nay là môi trường bất động.”

Ông Sơn nói thẳng ra một điều tất cả đều biết là thành phố Sài Gòn “có quy mô kinh tế, quy mô dân số lớn nhất Việt Nam, sức ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn. Sài Gòn đóng cửa nghĩa là các hoạt động kinh tế coi như đóng băng. Nếu cứ để đất khô cằn thì cái cây ắt phải chết”.

Cho đến ngày 3 Tháng Chín, khoảng 3,500 doanh nghiệp lớn nhỏ đã cùng ký một điện thư “kêu cứu” tới nhà cầm quyền trung ương.

Đầu năm ngoái khi dịch mới bùng phát, các giới chức cao cấp của chế độ dự báo dịch chỉ kéo dài từ ba tháng tới sáu tháng nhưng đến nay đã gần hai năm và chưa biết cuối năm nay đã kiểm soát được chưa khi một số lượng lớn thuốc chích ngừa COVID-19 dự trù về tới Việt Nam.

Trước tình hình doanh nghiệp báo động “chết lâm sàng,” hôm mùng 2 Tháng Chín, báo chí trong nước thuật lời Thủ Tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận không thể đóng cửa mãi được và phải “sống chung với dịch”.

Hồi đầu năm 2021, CSVN đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6.5% nhưng dịch COVID-19 ập tới bất ngờ từ cuối Tháng Tư, buộc nhà cầm quyền trung ương ra lệnh phong tỏa hơn 20 tỉnh thị gồm cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Sài Gòn, những trung tâm sản xuất xuất cảng nuôi chế độ.

Ngày 24 Tháng Tám, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam may lắm chỉ có thể tăng trưởng được 4.8% nếu kiểm soát được dịch bệnh.

Theo dự báo của một ngân hàng ở Singapore, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở quý 2 khoảng 5.4% và sẽ giảm xuống còn 3% ở quý 3 khi các xí nghiệp sản xuất vẫn còn khốn đốn vì dịch bệnh.

Thành phố Hà Nội rào chặn đường phố để chống dịch COVID-19. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

Nền kinh tế của Việt Nam có phục hồi nổi trong phần còn lại của năm 2021 hay không, chuyên viên kinh tế của WB nói rằng tùy thuộc ở khả năng kiểm soát được đại dịch COVID-19 hay không.

Điều này chưa thấy gì chắc chắn khi tin tức về số người phát hiện lây nhiễm và người chết vẫn cao. Thống kê ngày 6 Tháng Chín của Bộ Y tế CSVN nói thêm 12,481 người lây nhiễm mới trong khi có thêm 311 ngườithiệt mạng. 

Số người lây nhiễm vẫn cao nhất là ở Sài Gòn với 7,122 ca và số người thiệt mạng vì dịch là 233 người, cũng nhiều nhất trên cả nước. Cho đến nay đã có 13,385 người chết vì COVID-19 tại Việt Nam.

Truyền thông quốc tế mấy ngày gần đây đề cập tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng vì đại dịch ập xuống Việt Nam làm hàng triệu người thất nghiệp bất đắc dĩ.(TN) [kn]


Covid-19: Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lên tiếng

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham, tại phiên họp ngày 20/8 với giới lãnh đạo TP HCM

NGUỒN HÌNH ẢNH,TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM/VNEXPRESS

Chụp lại hình ảnh,

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham, tại phiên họp ngày 20/8 với giới lãnh đạo TP HCM

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo TP HCM phong tỏa tiếp sau 15/9 và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) bình luận về việc ông Nguyễn Thành Phong rời ghế lãnh đạo thành phố.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel và các công ty nước ngoài khác đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp đối phó COVID-19 nghiêm ngặt kéo dài ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể ngăn cản đầu tư, báo Nikkei Asia của Nhật đưa tin vào ngày 22/8.

Bài báo cho hay vào tuần trước đại diện của các công ty nước ngoài đã gặp gỡ chính quyền TP HCM nơi đã trở thành tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất tại Việt Nam.

Để đối phó với các ca nhiễm đang tăng mạnh, chính quyền trung ương đã công bố các biện pháp nghiêm ngặt trong thành phố sẽ bắt đầu từ 0h thứ Hai (23/08) và kéo dài đến ít nhất là ngày 15/9.

Mục đích của cuộc họp hôm thứ Sáu là để chia sẻ những thách thức mà các công ty chế tạo như Intel phải đối mặt để duy trì hoạt động, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel tại Việt Nam và Malaysia nói với Nikkei Asia hôm thứ Bảy.

"Gánh nặng tài chính cho việc thuê nhà ở cho công nhân là một trong những thách thức quan trọng," bà Uyên nói.

"Chúng tôi không chỉ nêu quan ngại mà còn đưa ra các giải pháp cho lãnh đạo thành phố như những khuyến nghị thiết thực thay vì duy trì [các biện pháp hiện có] lâu hơn sau 15/9", bà Uyên được Nikkei dẫn lời.

Intel Products Việt Nam vận hành một nhà máy kiểm tra và lắp ráp tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn tại TP HCM.

Một phần của các biện pháp chống dịch là "1.870 công nhân phải ở tại các khách sạn gần cơ sở của hãng. Điều đó đã phát sinh 140 tỷ đồng (6,1 triệu USD) trong một tháng kể từ tháng 7.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.878.290 mẫu cho 25.762.113 lượt người.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam vượt ngưỡng 10.000 ca Covid-19 một ngày vào 19/8/2021.

“Nếu chúng tôi tiếp tục làm như vậy sau ngày 15/9, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách mà còn cả kế hoạch sản xuất," bà Uyên nói với các giới chức thành phố tại cuộc họp, theo truyền thông Việt Nam.

Bà Uyên nói với nhà chức trách rằng công ty hoàn toàn cam kết làm việc với chính phủ, theo truyền thông Việt Nam. Nhưng bà kêu gọi sự linh hoạt để những công nhân đã được tiêm chủng đầy đủ có thể về nhà.

Jabil Việt Nam, chi nhánh Việt Nam của một công ty dịch vụ sản xuất có trụ sở tại Hoa Kỳ, cũng chia sẻ những lo ngại của Intel. Công ty cho biết nhiều đối tác kinh doanh đã chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác như Trung Quốc và Singapore do chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách.

Trong khi đó, hãng sản xuất máy tính Datalogic của Ý cho biết công ty đã chứng kiến ​​sự sụt giảm doanh thu trong một tháng từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống 11 triệu USD trong tháng 7.

Công ty này cũng mất khoảng 40% lực lượng lao động với 502 người rời công ty vào tháng 8.

Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết nhà bán lẻ Nhật Bản gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động tại nước này do chi phí xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với công nhân của họ khi tới nơi làm việc.

Ông Furusawa đề xuất chính quyền thành phố kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thuế giá trị gia tăng và bảo hiểm y tế để doanh nghiệp có thêm thời gian hỗ trợ người lao động.

Những lo ngại đã được đưa ra khi cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối diện khả năng có việc gia hạn phong tỏa sau ngày 15/9 với các ca nhiễm tiếp tục tăng lên.

Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) và Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SBG) mong muốn miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách. Ngoài ra, SBG đề xuất miễn, giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, theo Vnexpress.

Giới lãnh đạo TP HCM tiếp đại diện doanh nghiệp nước ngoài vào sáng ngày 20/08

NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK/AMCHAM VIETNAM

Chụp lại hình ảnh,

Giới lãnh đạo TP HCM tiếp đại diện doanh nghiệp nước ngoài vào sáng ngày 20/08

“Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) kêu gọi Chính phủ Việt Nam tập trung phân phối vaccine đến các tâm dịch, đặc biệt là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận, vốn là những vùng tập trung các khu công nghiệp và đóng góp đáng kể cho kinh tế quốc gia.

“Hiệp hội Thương mại châu Âu (EuroCham) khuyến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho ngành logistics để giúp các cảng có đủ công nhân bốc xếp, giải tỏa cảng nhanh,” bài báo nói.

Hôm thứ Bảy, Việt Nam đã ghi nhận 13.417 ca nhiễm COVID-19 mới, con số hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 4 với TP HCM báo nhiễm 4.084 ca trong khi tỉnh Bình Dương báo có 6.623 ca nhiễm.

Đại dịch tiếp tục tàn phá miền nam Việt Nam, cỗ máy kinh tế chính của đất nước và tạo mây mù u ám cho triển vọng đầu tư. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22,3% GDP cả nước và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2019.

GDP của Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng bị tăng trưởng âm, không giống như một năm trước, Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng này, theo Nikkei.

"Hàng chục nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc làm," ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã cảnh báo tại cuộc họp hôm thứ Sáu.

Ông Hoan đánh giá nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời, theo Zing News trong bài ‘Doanh nghiệp FDI ở TP.HCM than mất đơn hàng trăm triệu USD

Amcham: Ông [Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong] rõ ràng đang cố gắng làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân TP HCM.

NGUỒN HÌNH ẢNH,FACEBOOK/AMCHAM VIETNAM

Chụp lại hình ảnh,

Amcham: Ông [Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong] rõ ràng đang cố gắng làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân TP HCM.

Nguyễn Thành Phong: ‘Người bạn, đối tác của Hoa Kỳ’

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP HCM, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài kiên nhẫn và đặt niềm tin vào các chính sách của thành phố để đẩy lùi đại dịch.

“TP HCM hy vọng các doanh nghiệp FDI tiếp tục kiên trì, tin tưởng và đồng hành, ủng hộ công tác chống dịch của thành phố. Chúng tôi rất mong sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế và phòng chống dịch. TP HCM sẽ lắng nghe mọi kiến nghị của doanh nghiệp,” ông Phong nói tại phiên họp này vào buổi sáng thứ Sáu 20/8.

Đến chiều tối cùng ngày 20/8, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

"Rất buồn khi thấy Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong, một người bạn và đối tác của Hoa Kỳ, AmCham, và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ bất chợt từ chức và ra Hà Nội theo phân công," Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đăng trên Facebook của mình.

"Trong những giờ cuối cùng của mình với tư cách là chủ tịch vào sáng thứ Sáu, ngày 20/8, ông ấy [Nguyễn Thành Phong] đã chăm chú lắng nghe những quan ngại của AmCham và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về những thách thức khi duy trì hoạt động trong giai đoạn đại dịch. Ông rõ ràng đang cố gắng làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân TP HCM, trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và sinh kế ở mức độ tốt nhất có thể.

“AmCham mong muốn tiếp tục hợp tác với giới lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ quan hệ đối tác kinh tế Mỹ-Việt và các mục tiêu kép nhằm bảo vệ mạng sống và sinh kế khi chúng ta chung tay chống lại đại dịch COVID,” AmCham cho biết.

Ngày 22/08, truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TP.HCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

Cùng ngày, Bộ Y tế Việt Nam thông báo có 11.352 ca nhiễm và công bố số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch với 737 ca.

Vào ngày 28/07/2021, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất của khóa mới, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết trao thêm quyền cho thủ tướng và chính phủ trong việc phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch tại TP HCM lan nhanh và mạnh.

Nghị quyết 30 của Quốc Hội trao cho thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ “quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để phòng chống dịch Covid-19” theo đó kể từ nay, chính phủ Việt Nam và thủ tướng có thể ra các quyết định chẳng hạn như “hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết”.

Điều này có nghĩa là Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính có quyền ban hành các biện pháp “chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19”.


URL của bản tin này::http://www.vietnamville.ca/article.8210

© Vietnamville contact: admin@vietnamville.ca