Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 7
 Lượt truy cập: 24831441

 
Góc thư giãn 17.04.2024 21:52
Lật lại trang quân sử oai hùng chống Tàu cứu nước của quân lực VNCH
21.02.2008 08:26

Toán biệt hải đổ bộ lên Hoàng Sa trong cuộc hải chiến 19-01-1974

Ðể tưởng nhớ Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng và các anh linh chiến sĩ VNCH đã tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa

 

Cuộc hải chiến Hoàng Sa đến nay đã trên 33 năm với thời gian và tuổi tác có khi người viết đã không còn nhớ hết được tất cả sự việc xảy ra lúc đó. Kính mong quí hạm trưởng và những người tham dự sẵn lòng bỏ qua. Ðồng thời xin được bổ sung những điều còn thiếu sót trong bài viết.

Phần I: Tường thuật của Biệt Hải Nguyễn Châu

Sau khi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh được thành hình thì Trung Ðội Dân Sự Chiến Ðấu đóng ở trên đồi Hoa Sim được giải tán. Trung Ðội này trước đây chuyên lo phụ trách về vấn đề phòng thủ an ninh những nơi như Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH/NKT/BTTM), Căn Cứ Trần Hưng Ðạo của Lực Lượng Hải Tuần và Trại 9 của Lực Lượng Biệt Hải (còn gọi là Blackrock). Ðồi Hoa Sim sau đó được chuyển giao cho các toán Biệt Hải, còn Trại 9 của Biệt Hải ở Sơn Trà thì được Bộ Chỉ Huy Biệt Hải bàn giao lại cho các Chiến Ðoàn Công Tác, thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM trú đóng.

Từ trong ngã ba Tiên Sa (Ðà Nẵng) đi ra, vừa qua khỏi trạm gác Ðài Kiểm Báo Không quân (còn gọi là Cầu Trắng) là trông thấy căn cứ Ðồi Hoa Sim, được đặt trên một mỏm núi khá thấp, nằm về bên phải và cách Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải của Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại một con đường. Trước đây, Phó Ðề Ðốc Thoại đã từng là Chỉ Huy Trưởng của Sở Phòng Vệ Duyên Hải khi còn ở cấp bậc đại tá. Trái ngược với một số tin tức bên ngoài đơn vị cho rằng Lực Lượng Biệt Hải (LLBH) đã được giải thể khi Hoa Kỳ rút quân về nước năm 1972, thực tế đã cho chúng ta thấy rằng sau khi được dời về trú đóng trên Ðồi Hoa Sim, các công tác hoạt động của Lực Lượng Biệt Hải vẫn còn tiếp tục và trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật cho đến ngày cuối cùng. Bằng chứng là sau ngày đi công tác Hoàng Sa về ngày 10-4-1974, tôi nhận được văn thư của Sở mang số 0259/TTM/NKT/SPVDH/CTCT, tuyển chọn tôi (Nguyễn Châu) trong số 132 chiến sĩ xuất sắc nhất của QLVNCH trên toàn quốc để về thủ đô Sài Gòn tham dự ngày Quân Lực 19-6-1974.

Trở lại việc Biệt Hải tham chiến Hoàng Sa, trong thời gian tôi đang nghỉ phép vào một buổi sáng đẹp trời thì nhận được lệnh từ Bộ Chỉ Huy Biệt Hải nhắn, cho biết phải cấp tốc trở về trình diện đơn vị gấp để chuẩn bị đi công tác. Kinh nghiệm trước đây cho tôi biết mỗi lần được gọi khẩn cấp như thế này thường là những công tác hết sức khó khăn, chẳng hạn như chuyến đi cứu các phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi tại sông Cam Lộ, Quảng Trị-Ðông Hà vào tháng 4 năm 1972 trong Mùa Hè đỏ lửa. Lúc đó, toán của tôi chỉ có năm, sáu người nhưng đã phải len lỏi qua mặt mấy Sư Ðoàn Bắc Việt đi vào địa điểm công tác để đưa được hai phi công Hoa Kỳ trở ra an toàn, mãi cho đến nay vẫn còn hú vía! Sau khi nhận được tin lòng tôi cứ thấp thỏm suy nghĩ, không biết chuyện gì đã xẩy ra? Tôi vội mang quần áo, hôn phớt các con rồi từ giã bà xã lặng lẽ ra xe. Khi vào đến trại thì mới biết anh em trong toán đang chuẩn bị súng đạn xuống tàu để ra công tác Hoàng Sa trong vài giờ tới.

Chuyến đi này tổng cộng có 24 nhân viên Biệt Hải, trong số đó có Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải Thiếu Tá Hồ Xuân T., Trưởng Toán Nguyễn N. và tôi, toán phó kiêm tiền sát viên toán, tất cả đều trang bị toàn súng AK-47. Ngoài ra, mỗi người còn được phép mang thêm mấy khẩu M-72. Ðược biết chiếc HQ-4 Trần Khánh Dư sẽ phụ trách chở toán Biệt Hải của chúng tôi tới địa điểm công tác. Trong khi toán nhận lệnh đi Hoàng Sa thì tôi không có mặt ở trong trại. Do đó, trước khi sắp sửa lên xe, tôi được Chỉ Huy Trưởng T. và Trưởng Toán N. cho biết sơ qua tình hình trên các hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ðược biết trên các hải đảo này hiện đang có một Trung đội Ðịa Phương Quân và một số chuyên viên khí tượng của VNCH trú đóng. Lần này, toán Biệt Hải nhận lệnh đổ bộ để lấy lại chủ quyền và kiểm soát các vị trí trên đảo, nơi đang có những đơn vị của Hải Quân Trung Cộng chiếm giữ.

Chiếc Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 do Hạm Trưởng Vũ Hữu San được lệnh khởi hành, rời bến tàu Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải vào sáng sớm hôm đó. Ðến xế chiều thì vị trí của tàu không còn cách xa hải đảo Hoàng Sa là bao. Nghĩa là hiện chiếc HQ-4 đang nằm trong phạm vi của nhóm đảo Cam Tuyền và Quang Hòa. Vào buổi chiều cùng ngày, 17 tháng Giêng năm 1974, Khu Trục Hạm HQ-4 đã bắt gặp 2 giang thuyền của Hải Quân Trung Cộng, đang giả dạng làm các ghe thuyền đánh cá. Trên đài chỉ huy, Hạm Trưởng liền cho tàu chạy đến gần để tìm cách kiểm soát. Trong khi đó toán Biệt Hải cùng một số thủy thủ, tất cả đứng trên thành tàu chăm chú theo dõi đều nhận thấy 2 giang thuyền Trung Cộng có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Ngay lúc đó, Ðài Chỉ Huy trên HQ-4 phóng loa kêu gọi 2 giang thuyền Trung Cộng ngừng lại nhưng họ vẫn tỉnh khô và phớt lờ! Trong ý tưởng của anh em Biệt Hải lúc ấy rất muốn được cấp trên cho phép nhảy xuống để làm phận sự lục soát các giang thuyền này, tương tự như những chuyến Loky soát ghe bắt người tại vịnh Bắc Việt trước đây.

Lúc này, chiếc HQ-4 và một chiếc giang thuyền của Trung Cộng đều đã chạy chậm lại, khoảng cách cuối cùng cách nhau không quá một thước! Tuy nhiên, lệnh của Hạm Trưởng không cho anh em nhảy xuống tầu Trung Cộng lục soát. Bất thình lình, một con sóng lớn ập đến khiến hai chiếc tàu húc mạnh vào nhau. Chiếc tầu của Trung cộng thấp hơn nên lan can tầu của chúng bị hư hại khá nặng. Do đó, các thủy thủ Trung Cộng dưới tàu nổi nóng, một số xắn cao tay áo, còn một số thì cởi hẳn áo ra vất xuống sàn tàu, ra dấu thách thức thủy thủ và toán Biệt Hải chúng tôi nhảy xuống đánh tay đôi với chúng. Ðứng trên tàu, toán Biệt Hải thấy vậy liền cởi áo và kêu gọi đám thủy thủ Trung Cộng ở dưới tầu trèo lên nếu chúng muốn đọ sức. Ðây là màn khẩu chiến đầu tiên trong buổi chiều hai bên gặp nhau! Sau đó, chiếc HQ-4 và giang thuyền Trung Cộng tiếp tục tìm cách chạy ghìm nhau một lúc lâu mới dứt.

Hôm sau, ngày 18-1-74 lúc xế trưa, toán Biệt Hải gồm 24 người, có cả Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải đi theo, tất cả súng đạn đầy đủ nhận lệnh xuống 3 chiếc hobo thẳng hướng chạy vào đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert). Sau khi đi lục soát một vòng không thấy có quân Trung Cộng trú đóng, toán Biệt Hải đã khám phá và tịch thu được một lá cờ của Trung cộng hơi cũ, cùng một tấm bảng chủ quyền viết bằng chữ Hán, nét mực còn mới cắm trên đảo trước khi toán Biệt Hải đổ bộ vào. Ngoài ra, không còn thấy dấu vết gì khác, ngoại trừ những cây cối lưa thưa mọc cao không quá đầu người và một số cỏ gai nhọn chết khô lâu ngày, được gió biển cuốn tròn nằm lăn lóc trên mặt đất san hô và vô số phân chim! Tất cả những chi tiết trên đảo đã được vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải thông báo ra cho Hạm Trưởng ngoài tầu biết. Sau khi toán Biệt Hải đi ra và lên hết trên tầu rồi thì một số anh em Hải Quân lại được lệnh đổ bộ vào để canh giữ đảo Cam Tuyền. Chiếc HQ-4 được lệnh tiếp tục chạy sang hải phận của đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm đó, trên tầu đã cho mở nhiều bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp như để nhắc nhở bổn phận của người lính Hải Quân/QLVNCH phải hết sức giữ gìn lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù có phải hy sinh tánh mạng đã làm nức lòng người nghe, trong đó có toán Biệt Hải chúng tôi.

Sáng sớm ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, lúc 5 giờ 40 sáng, toán Biệt Hải tiếp tục nhận lệnh đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan). Toán Biệt Hải của chúng tôi đã vào được đến bờ nhưng trời còn tối nên tất cả được lệnh nằm trên bờ biển chờ trời sáng. Phần lính gác Trung Cộng có lẽ không ngờ toán Biệt Hải đổ quân ban đêm nên không để ý và không hay biết gì cả. Trước khi xuống thuyền vào đảo, chúng tôi được cấp trên cho biết trên đảo hiện đang có quân Trung Cộng trú đóng. Ðến nơi, thừa lúc trời còn tối, tôi liền dẫn vài anh em đi một vòng lục soát trong phạm vi của toán, để có gì khi đụng trận sẽ dễ dàng bảo vệ nhau hơn. Lúc 7 giờ 30 sáng, khi mặt trời hướng Ðông bắt đầu ló dạng, tôi, trong nhiệm vụ tiền sát đi đầu mon men dò dẫm đã phát giác ra được một giao thông hào do quân Trung cộng đào sẵn. Tôi tiếp tục dẫn toán đi lên, nhưng vừa đi được khoảng 60 hoặc 70 thước thì gặp quân của Trung cộng đang đứng chận đầu. Hai bên thấy mặt nhau nhưng không bên nào nổ súng! Phía trước mặt, hiện chúng tôi đã nhận diện được quân số của Trung Cộng khá đông, tất cả chúng đều nằm dưới các hầm phòng thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến, chăm chú nhìn chúng tôi ra vẻ nghi ngờ, không biết chúng tôi là phe nào? Lý do là vì cách trang phục của toán Biệt Hải hao hao giống bộ đội du kích Bắc Việt, kể cả vũ khí trang bị.

Khi khoảng cách hai bên cách nhau không tới 4 mét thì vào lúc này, một số cấp chỉ huy và lính Trung Cộng rời hầm phòng thủ vừa đi ra, vừa nói bằng tiếng Hoa và đồng thời lấy tay ra dấu đuổi toán Biệt Hải chúng tôi rời khỏi phạm vi hải đảo. Ý chúng muốn nói đảo Quang Hòa thuộc chủ quyền của Trung cộng, muốn chiếm thì đi sang đảo khác! Ngược lại, toán Biệt Hải của chúng tôi cũng ra dấu đáp trả, ý nói đảo nầy thuộc chủ quyền của VNCH, quân Trung cộng phải rời khỏi đảo. Một bên tiếng Tầu, một bên tiếng Việt, lúc đầu không ai hiểu ai. Có lúc lời qua tiếng lại rất hăng, hai bên đã quơ tay đụng nhau. Rất may, trong toán Biệt Hải có một người Việt gốc Hoa tên Trần A Lộc, nói và hiểu được tiếng Hoa sành sỏi đứng ra thông dịch. Nãy giờ, hai bên đứng khẩu chiến với nhau đã gần một tiếng. Tình thế lúc bấy giờ hết sức căng thẳng, nhất là quân Trung Cộng nhờ sự thông dịch biết được toán Biệt Hải chúng tôi đang đứng trước mặt quyết tâm dành lại chủ quyền trên đảo của chúng. Một số lính Trung Cộng liền có thái độ rất hung hăng, nhưng rất may cuộc chạm súng của đôi bên đã không xẩy ra. Nếu không, sự thiệt hại của Biệt Hải chắc chắn không phải là nhỏ. Thấy vậy, Trưởng Toán N. liền hội ý với vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải và ông đã gọi ra tầu, báo cáo cho Hạm Trưởng để trình bày sự việc. Ngoài tầu lệnh cho toán Biệt Hải rút lui. Trước khi đi, tôi đã tìm một nhánh cây khô buộc lá cờ VNCH vào rồi cắm xuống trước mặt bọn chúng.

Ít phút sau, toán Biệt Hải xuống thuyền đi ra được nửa chừng thì gặp toán Hải Kích của Trung Úy Ðơn từ ngoài chạy vào. Chúng tôi liền mở máy liên lạc và cho Trung Úy Ðơn biết tình hình của quân Trung cộng ở trên bờ. Sau khi toán Biệt Hải lên được tầu HQ-4 thì bỗng nhiên nghe tin toán Hải Kích của Trung Úy Ðơn vừa có hai người bị tử thương ở phía ngoài bờ biển. Biết tình thế hiện tại thế nào cũng đánh nhau, tôi xin đề nghị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải lên đài chỉ huy trình với Hạm Trưởng: Khi nào sẵn sàng khai hỏa thì cho HQ-4 chạy sát gần tầu của Trung Cộng, khoảng cách từ 50m đến 100m để toán Biệt Hải chúng tôi dùng M-72 bất ngờ triệt hạ các tàu của chúng. Theo ý tôi, đây là cơ hội bằng vàng để tiêu diệt bọn lính Trung Cộng, nhưng cuối cùng ý kiến của tôi đã không được Hạm Trưởng chấp thuận. Ngoài ra, Hạm Trưởng còn cho biết khi nào có hải chiến thì sẽ dùng súng lớn và chạy cách xa tầu Trung cộng khoảng 300m.

Ðến khoảng hơn 10 giờ sáng thì lệnh khai hỏa bắt đầu. Khẩu đại bác 125 ly của HQ-4 ở giữa boong, gần đầu mũi tầu chỉ bắn được 9, 10 quả đạn thì bị trở ngại tác xạ! Ngay lúc đó, tôi bị một mảnh đạn văng trúng vào đầu, máu chẩy xuống che đầy hai mí mắt. Tôi vội đứng nấp sau khẩu súng lớn đã bị hư hại, lấy khăn lau sạch vết thương rồi tìm y tá nhờ băng bó, và sau đó trở lại vị trí các ổ súng lớn trợ giúp các pháo thủ. Trong lúc 2 bên đang giao tranh dữ dội, quay mặt lại, tôi thoáng thấy Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng bị thương khá nặng, đang được anh em dìu vào phía trong. Cuộc hải chiến tiếp tục mãi cho đến 30 phút sau mới chấm dứt. Chiếc HQ-4 được lệnh rời khỏi vùng chiến, quay mũi theo hướng Nam đi về Ðà Nẵng. Khi tầu đã đi được hơn mấy tiếng đồng hồ và đã khá xa quần đảo Hoàng Sa thì bỗng nhiên không hiểu vì một lý do gì, HQ-4 lại được lệnh phải trở lại vùng hải chiến với tàu của Trung Cộng lúc buổi sáng! Tôi đoán lúc đó vào khoảng 1 giờ trưa.

Nghe tin này, một số anh em bị thương nặng tỏ vẻ xúc động. Một số anh em khác tuy bị thương nhưng còn khả năng tác chiến thì được lệnh sẵn sàng trở vào vị trí. Toán Biệt Hải lúc ấy được đặt dưới quyền của Hạm Trưởng, đưa bổ sung vào các chỗ khiếm khuyết trên tầu tùy theo khả năng. Phần tôi tuy bị thương nhưng vẫn được giao sử dụng một cây đại liên 50. Sau khi nhận lệnh, chiếc HQ-4 quay đầu trở lại theo hướng Ðông-Bắc, trực chỉ quần đảo Hoàng Sa để tái nhập cuộc. Tuy nhiên sau khoảng hơn một tiếng hải hành, HQ-4 lại được lệnh quay trở về Ðà Nẵng lần thứ nhì! Toán Biệt Hải chúng tôi nghe loáng thoáng lý do đang có máy bay MIG và tầu chiến của Trung Cộng từ Hải Nam bay qua trợ chiến quân đội của chúng trên quần đảo Hoàng Sa.

Mãi cho đến sau này, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi mới biết được nội vụ của lý do khiến chiếc HQ-4 phải đột ngột quay trở lại Ðà Nẵng lần thứ nhì như sau: “Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn (DAO) cho biết radar của Ðệ Thất Hạm Ðội ghi nhận một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG của Trung Cộng từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa sau đó yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa (Kiem Do and Julie Kane, Counterpart, A South Vietnamese Naval Officer's War - Ðất Mẹ)”.

Khi HQ-4 đang trên đường xuôi Nam thì Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng từ trần. Một phần vì vết thương anh quá nặng, phần nữa vì trên tầu thiếu phương tiện và thuốc men cấp cứu nên anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ cưới chưa được bao lâu và đứa con chưa tròn năm tuổi. Cuộc hải chiến hào hùng của các chiến sĩ Hải Quân, các toán Hải Kích Người Nhái và toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 đã nói lên ý chí và sự quyết tâm của người lính QLVNCH, quyết chiến đấu để giữ gìn lãnh hải do Tiền Nhân để lại, không bao giờ sợ hãi trước đoàn quân xâm lăng của Trung Cộng.

Phần II: Tường thuật của Biệt Hải Nguyễn Trâm

Buổi chiều ngày 18-1-1974, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do Hạm Trưởng Lê Văn Thự chở một toán Hải Kích, trong đó có một số Biệt Hải thuyên chuyển về đã có mặt trong vùng đảo Hoàng Sa, cùng phối hợp với HQ-4, HQ-5 và HQ-10 để thi hành nhiệm vụ bảo vệ các hải đảo. Ðêm đó, toán Hải Kích được sắp xếp nằm ngủ trong một góc phòng ăn của HQ-16. Hôm sau, vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 19-1-74, chúng tôi nghe nhiều tiếng chân thủy thủ trên tàu lần lượt bước vào phòng ăn. Tất cả đứng tập họp riêng tại một góc để nghe vị sĩ quan chỉ huy ân cần nhắc nhở anh em hiện diện trên tàu HQ-16: “Chúng ta phải quyết tâm chiến đấu nếu tình thế bắt buộc để bảo vệ lãnh hải của phần đất tổ quốc Việt Nam trước sự gây hấn của Hải quân Trung Cộng. Nếu chúng ta muốn được an bình trở về sum họp với gia đình thì mọi người phải hết sức bảo vệ con tàu bằng tất cả nhiệm vụ và tinh thần của mình.” Tiếng của người sĩ quan chỉ huy vừa chấm dứt, ai nấy đều hô to “quyết chiến!” Sau đó, mọi người được lệnh giải tán trở về nhiệm sở. Tuy chúng tôi đang nằm cách xa họ hai cái bàn ăn, nhưng vì đã nghe được từng cử chỉ, từng lời nói của người sĩ quan chỉ huy nên linh cảm được những sự chẳng lành, đang nhen nhúm xẩy ra trong giờ phút định mệnh sắp tới.

Sáng sớm tinh sương hôm đó, toán Hải Kích được lệnh vào vị trí tác chiến. Tất cả mọi người đi lên và chia nhau nằm vào hai phía trái-phải trên trần tầu. Ngoài vũ khí cá nhân, mỗi người còn mang thêm một số súng M-72 đặt sẵn bên cạnh. Phía đằng sau phòng lái cách chiếc HQ-16 chừng 800 thước hoặc xa hơn một tí, chúng tôi nhìn thấy chiếc HQ-10 rất rõ, đang cùng với HQ-16 hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp khi xảy ra hữu sự. Khoảng 6 giờ sáng, lợi dụng lúc mặt trời đang nhá nhem, một chiếc tầu Trung Cộng bất ngờ từ sau chạy tới, cố ý húc vào hông phải chiếc HQ-16 khá mạnh đến nỗi vị trí chỗ nằm của chúng tôi ở trên trần bị xê dịch. Mọi người nhìn xuống dưới tầu Trung Cộng thấy một viên sĩ quan đang đứng theo thế nghỉ phía ngoài mặt phòng lái, hai tay để chắp sau lưng, bên hông đeo một lưỡi kiếm lủng lẳng. Viên sĩ quan này cuối cùng bị ngã theo sức dội của thân tầu, và đồng thời chúng tôi nghe nhiều tiếng nói của Hải quân Trung Cộng từ dưới vọng lên nhưng không hiểu họ muốn nói gì? Sau đó, chiếc tầu của Trung cộng xả hết tốc độ chạy nhanh tới phía trước tìm cách chận đầu chiếc HQ-16 lại. Nhìn cử chỉ đầy hống hách và xấc xược của chiếc tàu Hải quân Trung Cộng vừa rồi, tôi thầm nghĩ giá các chiến đỉnh PTF của Lực Lượng Hải Tuần chở các toán Biệt Hải ra Bắc nay còn mới tương xứng với tốc độ các tàu này của bọn chúng.

Theo bài viết “Người Ra Biển Bắc” của Hạm Trưởng Trần Ðỗ Cẩm thuộc Lực Lượng Hải Tuần thì: “Khinh tốc đỉnh Nasty có vỏ bọc bằng ván ép nhiều lớp đặc biệt, trọng tấn 75 tấn, dài khoảng 80 bộ, rộng 24.7 bộ. Tầm nước 3.7 bộ phía trước, 6.10 bộ chỗ chân vịt sau lái, có thể chuyên chở 18 tấn hay 6,100 gallons dầu cặn. Tầm hoạt động lên đến 1,000 hải lý với tốc độ tiết kiệm. Máy tầu thuộc loại Napier & Deltic của Anh, 18 xy-lanh. Vận tốc đường trường khoảng 35 gút, vận tốc tác chiến tối đa có thể lên đến 50 gút khi tầu mang thêm nhiều nhiên liệu. Về vũ khí, Nasty được trang bị 1 súng cối 81 ly trực xạ gắn thêm đại liên 50 trước mũi. Sân sau lái đặt khẩu đại bác 40 ly, hai bên hông ngang đài chỉ huy gắn đại bác 20 ly.”. Trong suốt thời gian hoạt động tại vùng duyên hải miền Bắc, các tầu của Hải Quân Bắc Việt ít khi nào dám xuất hiện đối đầu với các chiến đỉnh PTF Lực Lương Hải Tuần thuộc SPVDH/NKT của VNCH.

Gần 8 giờ sáng ngày 19-1-74, toán Hải Kích được lệnh chuẩn bị để đổ bộ vào đảo Quang Hòa (Duncan). Chúng tôi vừa sửa soạn xong một chiếc thuyền hobo thì được lệnh ngừng lại vì tin cho biết toán Hải Kích trên HQ-5 đổ bộ vô bờ đã có hai người bị tử thương gồm Trung Úy Ðơn ,Trưởng Toán và Hải Kích Ðỗ Văn Long. Trong thời gian này HQ-16 và tầu của Trung Cộng hai bên vẫn chạy kềm nhau. HQ-16 luôn bị các tầu của Trung Cộng tìm cách chận đầu ngăn cản. Lúc này, tất cả họng súng trên tàu của HQ-16 đều nhắm về hướng các tầu Trung Cộng. Trưa ngày 19-1-1974, lúc hơn 10 giờ sáng, tất cả được lệnh khai hỏa. Khẩu đại bác 125 ly ở đầu mũi chiếc HQ-16 nhắm bắn vào các tầu Trung Cộng. Cùng lúc đó, hướng trước mũi tầu HQ-10 và phía sau phòng lái HQ-16 bên phải đã thấy một tầu của Trung Cộng bị trúng đạn. Chiếc tầu này hiện đang quay lòng vòng trên biển. Ðồng thời, khói trên đài chỉ huy HQ-10 bắt đầu bốc lên và tầu đã ngưng chạy. Một lúc sau, trên mặt biển phía hông phải chiếc HQ-10, gần vị trí của tầu Trung Cộng bị bắn có nhiều cụm khói mầu vàng, đỏ, xanh từ mặt biển bốc lên kèm theo với tiếng người la ơi ới lẫn trong tiếng đạn của hai bên bắn nhau nổ chát chúa. Trên không, từng lằn đạn chíu chít qua lại đã bít kín một vùng biển, thỉnh thoảng phát ra nhiều tiếng hú như để cổ võ người lính Việt Nam Cộng Hòa trong giờ phút lịch sử hãy chiến đấu anh hùng để giữ gìn lãnh hải của tổ tiên mà Hải Quân Trung Cộng đang manh nha cướp đoạt.

Tất cả súng cá nhân của toán Hải Kích mang theo hiện không sử dụng được vì mục tiêu tầu địch quá xa. Trái lại, những khẩu đại pháo và các khẩu đại liên 50 lúc nầy mới thực sự có khả năng quyết định chiến trường. Không lâu sau, bên cạnh tôi đã có hai Hải Kích bị thương, trong đó có một người bị khá nặng. Chúng tôi chia nhau dìu các thương binh từ trên trần tàu đi xuống về phía sau lái tránh đạn. Ở đó, hiện đã có một số thủy thủ bị thương, vừa nằm vừa ngồi, tất cả đã được băng bó. Ðúng vào lúc này, tôi thấy chiếc HQ-16 nghiêng hẳn về một phía và máy bên trái đã bị hư, không còn chạy được nữa! Bình thường tầu đã chạy chậm, bây giờ hư thêm một máy nên càng chạy chậm hơn. Cùng lúc đó, dưới hầm máy tiếng viên Sĩ Quan Phòng Tai hối thúc anh em đặt máy bơm nước vào các vị trí để hút nước ra ngoài, và đồng thời lấy một số nệm ngủ đem bít kín vào các lỗ đạn bắn xuyên thủng vào hông tàu. Lúc này, thấy nước đã chẩy thấm ướt dưới thềm phòng ăn. Không bao lâu, tiếng chuyên viên từ dưới hầm hét lên ra vẻ vui mừng, báo cáo đã khống chế được các lỗ thủng không cho nước vào, và đồng thời các máy bơm nước cũng đang hoạt động tốt. Nghe tin này, ai nấy đều hết sức phấn khởi. Tất cả sự vui mừng đang hiện rõ trên từng khuôn mặt của các thương bệnh binh.

Cuối cùng, chiếc HQ-16 tuy còn một máy nhưng vẫn ung dung thoát ra khỏi vùng giao tranh. Tuy nhiên, chiều hôm đó anh em chúng tôi rất đau lòng khi phải bỏ lại chiếc HQ-10 một mình trơ trọi trong vùng đảo Quang Hòa, Hoàng Sa ngày 19-1-74. Sau một đêm lênh đênh trên biển, sáng ngày hôm sau, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 đã cặp bến an toàn tại bến tầu của Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải, Tiên Sa-Ðà Nẵng.

Nam Quốc sơn hà Nam Ðế cư,

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư,

Nhử hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư.

Nghĩa là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành định phận tại sách trời,

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt)

Anh hùng và Kẻ bội phản trong Quân lực VNCH,” một tiếng nói mới về chiến tranh VN
Thiện Giao, phóng viên đài RFA, Feb 20, 2008

RFA - Buổi ra mắt tác phẩm nghiên cứu lịch sử về chiến tranh Việt Nam của giáo sư Andew Wiest tại thành phố Falls Church có thể được xem là cơ hội để những người bạn cũ, những đồng đội cũ, của 40 năm trước gặp lại nhau.

Họ có thể là những mảnh vụn, bị phân tán khắp nơi sau khi chia tay, để rồi, với tác phẩm nghiên cứu của Wiest, họ lại được sắp vào nhau như một khoa học ghép hình, góp phần tái lập lại hình ảnh đúng đắn hơn cho một quân đội, theo lời giáo sư Wiest, gần như chưa bao giờ được thế giới Tây Phương thừa nhận và đối xử công bằng. Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật tại chỗ sau đây.
Thành phố Falls Church, ngày 17 tháng Hai, năm 2008. Tại buổi lễ ra mắt tác phẩm nghiên cứu lịch sử của giáo sư Andrew Wiest. Tác phẩm có tên “Vietnam’s forgotten Army. Heroism and betrayal.”

“Hãy cho tôi giải thích tại sao tôi viết cuốn sách này. Tôi chỉ mới 14 tuổi khi Sài Gòn thất thủ, còn quá trẻ cho cuộc chiến Việt Nam! Nhưng tôi đã nhìn thấy cuộc chiến ấy mỗi ngày, trên tivi, trong ánh mắt những thanh niên Hoa Kỳ đàn anh trở về từ chiến trường Việt Nam, trên khuôn mặt những người Việt Nam được các nhà thờ trong địa phương bảo trợ sang Hoa Kỳ sau cuộc chiến.

Nhưng tôi cũng nhận ra một điều: không một ai có thể giải thích cuộc chiến ấy! Đối với tôi, đó là một bí ẩn. Và chắc hẳn, đó cũng là bí ẩn trung tâm của thế hệ chúng tôi. Và tôi quyết định đi tìm câu trả lời.” (Tiến sĩ Andrew Wiest)

Cuộc chiến không thể diễn tả hết bằng giấy mực

Andrew Wiest, giáo sư sử học, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Tranh và Xã Hội tại đại học Southern Mississippi trình bày nguyên ủy ra đời của tác phẩm “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Một Quân Đội Bị Quên Lãng. Anh Hùng và Kẻ Bội Phản.”

Đối với Andrew Wiest, chiến tranh Việt Nam là một lớp học không có giáo sư, một cuốn sách không có tác giả, một điều cấm kỵ mà dường như hầu hết người Mỹ muốn quên đi.

Wiest không chọn thái độ đó, và ông quyết định một phương pháp giảng dạy mới. Đó là, mời các cựu chiến binh đến giảng bài, và sau đó, chính ông đưa họ cùng các sinh viên sang Việt Nam, để tìm hiểu chiến trường của hơn 30 năm trước, và cũng để đi tìm diện mạo của một quân đội mà ông gọi là “bị bỏ quên.”

“Trong thời gian ở Việt Nam, tôi gặp một người đàn ông có tên là Phạm Văn Đính, đã tham gia chiến tranh Việt Nam. Qua câu chuyện ông ta kể, tôi thấy ông ta là một bí ẩn. Tôi tin rằng, tôi sẽ cần phải nói chuyện với ông ta nhiều hơn nữa để học hỏi.

Sau khi trở lại Hoa Kỳ, tôi hỏi rất nhiều người về Phạm Văn Đính. Tất cả đều nói, nếu tôi muốn biết nhiều hơn về Đính, có một người có thể kể cho tôi. Người đó tên là Trần Ngọc Huế, đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp theo một con đường hoàn toàn khác Phạm Văn Đính.”

Và cuốn sách ra đời. Tác phẩm của Wiest là một công trình thuần túy lịch sử, nhưng cấu trúc được xây dựng lạ lùng, và chủ đề được tiếp cận nhân bản.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

“Anh Hùng và Kẻ Bội Phản” cũng đầy những con số, địa danh, tên gọi, tổn thất. Nhưng “Anh Hùng và Kẻ Bội Phản” không lạnh lùng, vô cảm. Tác phẩm được xây dựng trên 2 nhân vật chính, có thật, hoàn toàn có thể kiểm chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Hai nhân vật có tên Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế.

Cả hai gặp nhau trong một sự sắp xếp trớ trêu của định mệnh. Trước hết, họ là đồng hương, là người Huế, và cùng yêu cố đô với tình cảm mãnh liệt. Cả hai đều chọn binh nghiệp. Sĩ quan Phạm Văn Đính, sinh năm 1937, tốt nghiệp trường Võ Bị Thủ Đức, sĩ quan Trần Ngọc Huế, sinh năm 1942, tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.

Con đường binh nghiệp của cả hai sĩ quan trẻ gặp nhau tất cả 5 lần.

Bốn lần đầu, trong vinh quang, khi cả hai cùng liên tiếp được thăng cấp rất nhanh trong vai trò sĩ quan tác chiến. Sự gan dạ và các chiến tích của họ được tác giả cuốn sách gọi là “Thời Đại Của Những Anh Hùng.”

Lần gặp thứ năm, cũng là lần cuối cùng, cả hai không thể lường trước, về hoàn cảnh, về địa điểm, và cả tư thế. Lần gặp này, một trong hai người sẽ phải ân hận cho đến cuối đời.

Một quân đội anh hùng

Tạm rời câu chuyện của Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế để trở lại hành trình tìm hiểu chiến tranh Việt Nam của tác giả Andrew Wiest. “Không như những gì thế giới Phương Tây đã nghĩ, miền Nam Việt Nam đã chiến đấu cực kỳ anh dũng trong 20 năm. Anh dũng hơn cả những gì mà thế giới Tây Phương, cho đến thời điểm này, vẫn viết, vẫn tin và vẫn hình dung. Trong các trận đánh, từ chiến trường nhỏ trước Mậu Thân, và mở rộng ra sau đó, họ đã chiến đấu rất can đảm và hiệu quả.”
Wiest, ở tuổi 14 khi chiến tranh kết thúc. Có thể xem Wiest là thế hệ hậu chiến. Wiest, tại sao bị ám ảnh bởi cuộc chiến? Cuộc chiến tranh Việt Nam là vậy. Hãy nghe nhận định của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một diễn giả trong buổi ra mắt sách.

“Những câu chuyện thân tình mà Trung Tướng William Bolt vừa kể về Trần Ngọc Huế cho thấy ông tin rằng Huế đã chết, thế mà đột nhiên ông ta lại xuất hiện. Cuộc chiến Việt Nam là như vậy. Khó hiểu thật.

Tôi thuộc vào thế hệ chiến tranh, và tôi không thể lấy cuộc chiến ấy ra khỏi đầu tôi, rõ ràng là như vậy. Thế nhưng những thế hệ trẻ hơn, chẳng hạn giáo sư Wiest, tác giả cuốn sách này, thì rõ ràng, cuộc chiến Việt Nam lại quay về, và ám ảnh chúng ta.”

Hãy quay trở lại với hai sĩ quan trẻ Trần Ngọc Huế và Phạm Văn Đính. Hãy hình dung chiến trường Tchepone, Hạ Lào, gần 40 năm về trước.

Một đêm cuối tháng Ba năm 1971, trong khuôn khổ chiến dịch Lam Sơn 719, Trần Ngọc Huế lúc đó đang ở Tchepone, bị thương và ngất lịm. Ông ra lệnh cấp dưới mở đường máu thoát thân, để ông lại trận địa nhằm tránh gây cản trở trên đường tháo lui. “Giấc Mơ Bị Vỡ Vụn,” là tên của chương sách nói về trường hợp sĩ quan Trần Ngọc Huế bị bắt làm tù binh.

Cử tọa Hoa Kỳ trong ngày ra mắt “Anh Hùng và Bội Phản.” Người ngồi hàng đầu bên trái là thiếu tướng hồi hưu Creighton Abrams (con trai cố đại tướng Creighton Abrams), người thứ ba từ trái sang là trung tướng hồi hưu William J. Bolt. Người thanh niên ở bìa phải là trung tá Mike Cooligan, đại diện thân phụ, đại tá Jim Cooligan (cũng là một cố vấn tại Huế giai đoạn 1968), đến tham dự lễ ra mắt sách. (Hình: Thiện Giao/RFA)

Về phần Phạm Văn Đính, trong giai đoạn cuối của hành quân Lam Sơn 719, được lệnh đưa đơn vị đến Khe Sanh để yểm trợ và đóng cửa căn cứ. Vòng vây Bắc Việt xiết chặt, tình thế hiểm nghèo. Phạm Văn Đình 2 lần nhận được yêu cầu của phía Bắc Việt: Đầu hàng để được toàn mạng. Trung tá Phạm Văn Đính quyết định đầu hàng, ở tuổi 35, khi còn 2 tháng nữa thì được vinh thăng đại tá. “Kẻ Bội Phản” là chương sách nói về trường hợp của trung tá Phạm Văn Đính.

Một năm sau, tại một trại tù binh ở Sơn Tây, trung tá Đính và thiếu tá Huế gặp nhau lần thứ năm. Huế bàng hoàng nhận ra, trung tá Đính của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, bây giờ đã là trung tá Đính quân đội nhân dân, đến gặp, nói chuyện và tế nhị chiêu dụ thiếu tá Huế hợp tác với miền Bắc. Thì ra, chỉ một thời gian ngắn sau khi trung tá Đính đầu hàng, ông đã quyết định đổi bộ quân phục, hợp tác và được chuyển ngang cấp bậc sang phía quân đội Bắc Việt.

Thiếu tá Huế từ chối hợp tác, bị giam đến năm 1973, có tên trong danh sách trao đổi tù binh theo Hiệp Định Paris. Ông được đưa đến địa điểm trao đối tù binh thuộc tỉnh Quảng Trị, có thể nhìn thấy cảnh cũ ở bên kia biên giới, tay đã chạm vào tự do, và rồi, một sĩ quan Bắc Việt tiến đến, nói rằng Huế bị bắt tại Lào nên không phải là tù binh của Bắc Việt. Ông không được trả tự do.

Năm 1983, thiếu tá Huế ra tù, về sống tại Sài Gòn, sau đó sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, cho đến nay.

Trung tá Phạm Văn Đính thì đã qua đời hồi năm ngoái, tại Việt Nam, sau một lần sang Hoa Kỳ để trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Wiest, tác giả cuốn sách đang được nói đến. Tại đây, những đồng đội ngày xưa, tức những kẻ thù bây giờ, kể cả các cố vấn Hoa Kỳ, từ chối gặp mặt ông.

Lịch sử không công bằng

Tác giả Wiest khẳng định, quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực bị bỏ quên. Trong tư thế một sử gia, Wiest khẳng định, bằng chính nghiên cứu của mình, rằng quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực anh dũng, đã chiến đấu trong cuộc chiến 20 năm để bảo vệ tự do.

Quân lực ấy có rất nhiều anh hùng, nhưng không được lịch sử đối xử công bằng. Wiest nói, Tây Phương chỉ viết về chiến tranh Việt Nam như một cuộc chiến chỉ có người Hoa Kỳ đánh nhau. Thực tế không phải như vậy, và càng không phải như vậy khi người Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Hãy nghe thiếu tướng Creighton Abrams, con trai cố đại tướng Abrams nhắc lại những gì thân phụ ông suy nghĩ.
“Một sĩ quan người Anh đã phát biểu về cha tôi, rằng Abrams giỏi lắm, rất giỏi. Đáng lý ra ông ta phải có một cuộc chiến tốt hơn. Tôi không đồng ý với nhận định ấy.

Đến hôm nay tôi vẫn tin, cũng như cha tôi đã từng nói, quân đội miền Nam Việt Nam đáng cho những gì tốt nhất mà ông đã ra công. Và ông thấy hãnh diện đã từng cùng họ phục vụ một cuộc chiến mà kết thúc cuối cùng không như mong muốn.”

Để kết thúc, xin được giới thiệu trích đoạn trong lời đề tựa trên tác phẩm “Anh Hùng và Kẻ Bội Phản.” Lời đề tựa do thượng nghị sĩ James Webb, cựu Bộ Trưởng Hải Quân, và cũng là cựu chiến binh Việt Nam, viết, có đoạn đại ý như sau:

Câu chuyện của Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế không phải là những câu chuyện dễ cảm nhận. Điều quan trọng không phải là nhìn vào một Việt Nam vươn mình từng năm một vào cộng đồng thế giới. Để hiểu được hai hành trình trái ngược này, phải nhìn vào một Việt Nam những ngày đầu thoát ra khỏi bóng tối của cuộc chiến.
Hãy nhìn như vậy, để cảm nhận một Trần Ngọc Huế chiến sĩ dũng cảm, trả giá đắt cho lòng trung thành nhưng chẳng bao giờ phải trả lời câu hỏi về danh dự. Trong khi đó, con đường mà Phạm Văn Đính đã chọn, ít đau đớn hơn, nhưng lại trở nên phức tạp hơn ở hồi kết thúc.”

Tác giả Wiest nói rằng, sự chọn lựa của hai nhân vật chính, nhất là quyết định “thay đổi bộ quân phục” của Phạm Văn Đính, sẽ do chính độc giả tự đánh giá. Mục đích của Wiest là, thông qua câu chuyện của hai sĩ quan này, trình bày lại sự thật về một quân đội quả cảm nhưng bị đối xử thiếu công bằng về mặt lịch sử.

Mà đó cũng là công việc của Wiest, một sử gia. Có người đã từng phát biểu, rằng “không có sử gia, sự thật sẽ vĩnh viễn nằm trong bóng tối.”

Andrew Weist, thông qua “Anh Hùng và Bội Phản,” đã phần nào đưa được sự thật ra ánh sáng.


Nhân viên quân báo Cuba, Liên Xô từng đến VN thẩm vấn tù binh Mỹ?

2008.02.21

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Fidel Castro của Cuba giận dữ lên án ứng viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa, Thượng nghị sĩ John McCain là nói láo, khi ông này tuyên bố tại Miami, bang Florida, rằng ông và các tù binh Mỹ đã bị một người Cuba hỏi cung và tra tấn, các giới chức của Việt Nam đã lên tiếng đồng thanh ủng hộ lập luận của Fidel Castro. Sự thể ra sao, Trường Văn tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

Trong một bài báo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Cuba, số ra ngày 11 tháng Hai vừa qua, Chủ tịch nước Fidel Castro đã phủ nhận lời cáo buộc của ứng cử viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa Thượng nghị sĩ John Mc Cain là có người Cuba đến trại giam của ông để hỏi cung, tra tấn ông và các bạn đồng tù.

Đây không phải là lần đầu tiên Thượng nghị sĩ McCain nêu lên điều này.

Trong cuốn hồi ký nhan đề “Niềm Tin của các tiền nhân” xuất bản năm 1999, Thượng nghị sĩ McCain viết về những gì xảy ra cho ông và các tù binh khác trong thời gian hơn 5 năm ông bị giam giữ tại Hỏa Lò Hà Nội.

Thượng nghị sĩ McCain kể lại là có một ngừơi Cuba mà các tù binh Mỹ gọi là Fidel là người thường hay đến trại để thẩm vấn và tra tấn tù binh Mỹ. Có ngừơi đã chết dưới tay của Fidel.

Trong buổi vận động tranh cử ngày 25 tháng giêng vừa qua tại Miami, bang Florida, Thượng nghị sĩ McCain tuyên bố với các người Cuba lưu vong tại đây là ông sẽ tìm ra người này để mang ra trước pháp luật.

Cáo buộc của Thượng nghị sĩ McCain được một phi công bị tù lâu nhất là ông Everett Alvarez Jr. xác nhận trong cuốn hồi ký của ông này.

Theo ông Everett sở dĩ ông cho rằng người có biệt hiệu Fidel là một người Cuba vì người này có giọng nói của người Châu Mỹ La Tinh và rất am hiểu tình hình của vùng Trung Mỹ cũng như miền Đông Nam Hoa Kỳ.

Lời chứng của ông Everett được các cựu tù binh Mỹ xác nhận.

Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 1999 cũng cho biết là trong các cuộc nghiên cứu từ năm 1973 dưới chưong trình có tên gọi là “chương trình Cuba” đã nhận diện được Fidel mà các tù binh Mỹ đề cập đến là một viên chức của Bộ Nội vụ Cuba đã từng sống tại Mỹ trong thập niên 50.

Về phía Việt Nam thì sao?

Ông Trần Trọng Duyệt, nguyên là người đứng đầu Hỏa Lò Hà Nội từ năm 1970 đến 1973 tuyên bố là không có người Cuba nào dính líu đến các trại giam tù binh Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Đôn, người đã từng trông coi bảo tàng viện Hỏa Lò cũng cho rằng ông John McCain nói sai vì không có bất cứ người Cuba nào đến các tại giam giữ phi công Mỹ cả.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi hỏi chuyện một người từng có cơ hội chứng kiến nhiều diễn tiến trong chiến cuộc hồi ấy là cựu Đại Tá Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên Tập báo Quân Đội Nhân dân. Ông đưa ra những điều thấy hoặc biết về những người Cuba hay nhân viên quân báo Liên xô thẩm vấn tù binh Mỹ:

Tuy nhiên ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, và là người sinh sống và làm việc nhiều năm tại Matxcơva, có nhận xét khác:

Bất chấp sự kiện là sau ngày Liên Xô sụp đổ, nhiều tài liệu bí mật, văn kiện nhạy cảm, đã được chính phủ Nga cho giải mật và cho phép nhiều sử gia, học giả phương Tây nghiên cứu. Việt Nam vẫn phủ nhận lời cáo buộc của các tù binh Mỹ bị giam tại các trại tù miền Bắc là họ bị tra tấn và ngược đãi.

Rồi mỗi năm vào tháng Ba, khi kỷ niệm ngày quân đội Hoa Kỳ chính thức rút khỏi miền Nam Việt Nam theo tinh thần hiệp định Paris 1972, thân nhân của hàng trăm binh sĩ Mỹ bị bắt làm tù binh và mất tích, gọi tắt là POW-MIA, vẫn tin tưởng rằng cha, chồng, anh, em của họ vẫn còn bị giam giữ hoặc chôn cất ở một nơi nào đó trên đất Nga

Có hay không chuyện quân đội Liên Xô tham chiến tại VN?

2008.02.20

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Hôm thứ bảy 16-2 vừa qua, một số cựu chiến binh Liên Xô đã họp mặt để kỷ niệm 35 năm ngày Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam để thi hành hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

RFA file photo.



Sự kiện này đã được hai cơ quan truyền thông lớn của Liên Bang Nga là tờ báo “Nước Nga ngày nay” và đài truyền hình Novosti loan tải.

Hơn 3.000 quân Liên Xô tại Bắc Việt

Trong nhiều năm dài, điện Kremli luôn luôn phủ nhận việc Liên Xô có quân đội tham chiến tại Việt Nam. Mãi đến khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991, giới chức Nga mới công nhận là có hơn 3.000 quân Liên Xô tham gia trận chiến chống quân đội Mỹ tại Việt Nam trước đây.

Để tìm hiểu thêm chi tiết, Biên Tập Viên Trường Văn đã có cuộc trao đổi với 2 nhân vật am hiểu về vấn đề này là cựu Đại tá Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên tập nhật báo Nhân dân hiện cư ngụ tại Pháp.

Trường Văn: Thưa ông Bùi Tín, chúng tôi vừa đọc trên tờ báo Russia Today một bài viết đề cập đến chuyện những cựu quân nhân của Liên Xô cũ với khoảng 3.000 người phục vụ trong binh chủng phòng không của không quân thì hôm Thứ Bảy vừa qua họ kỷ niệm 35 năm ngày Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam. Từ trước tới nay chính phủ Liên Xô cũng như chính phủ Việt Nam phủ nhận sự có mặt của quân đội Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì sự thật này mới được công khai bày tỏ. Xin ông cho biết về vấn đề này như thế nào?

Bùi Tín: Vâng. Theo tôi được biết thì chuyện này là chuyện có thật, bởi vì tháng 5-1977, sau cái gọi là toàn thắng 2 năm thì có một đoàn đại biểu của Bộ Quốc Phòng cao nhất của Hà Nội do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu thì tôi cũng được tham gia cái đoàn đó sang Liên Xô để cảm ơn sự đóng góp của Liên Xô trong cuộc chiến tranh.

Trong chuyến đi này có phát gần một ngàn bằng khen và 800 huân chương quân công và huân chương chiến công cho các chuyên gia Liên Xô. Những chuyên gia Liên Xô đó đúng là ở Phòng Tuỳ Viên Quân Sự Liên Sô thay phiên nhau làm việc ở Hà Nội mà phần lớn họ là những sĩ quan huấn luyện lắp ráp tại chỗ các loại máy bay chiến đâu MIG-21và SU, và huấn luyện lái máy bay cho một số phi công Việt Nam.

Chuyện ấy tôi nghĩ chẳng phải là chuyện bí mật hay giấu giếm gì đâu và chuyện có hàng nghìn quân nhân Liên Xô sang làm việc ở Việt Nam thời đó là chuyện có thật, bởi vì theo tôi được biết mỗi chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam luân phiên nhau từ 3 tói 6 tháng, và đặc biệt có người ở lại một hai năm.

Trường Văn: Thưa ông, ngoài chuyện lắp ráp máy bay MIG và SU thì còn chuyện hoả tiễn phòng không thì như thế nào?

Bùi Tín: Đúng đấy. Việc lắp ráp hoả tiễn, radar và huấn luyện là do các chuyên gia Liên Xô và họ có cả một khách sạn để ở là Khách Sạn Liễu Giai. Cái này là theo hiệp định quân sự giữa hai nước, và sự giúp đỡ của Liên Xô về mặt này là rất nhiều. Chỉ có là họ không trực tiếp lái máy bay chiến đấu thôi chứ còn làm chuyên gia về hậu cần, chuyên gia về hải quân, chuyên gia về tên lửa, chuyên gia về không quân, về các loại binh chủng là đều có. Họ luân phiên nhau phục vụ ở Việt Nam nên tôi nghĩ con số đó là khá đông lên đến ba bốn nghìn người và họ đều được coi là tham gia cuộc chiến đấu ở Việt Nam.

Trong thời gian chiến tranh, tôi thường xuyên có mặt ở các sở chỉ huy không quân để viết về không quân thì tôi đều gặp các chuyên gia Liên Xô. Họ đều mặc đò dân sự. Chỉ có ngày lễ chứ họ ít khi mặc quân phục.

Cựu Đại tá QĐND Bùi Tín

Hiệp định quân sự bí mật

Trường Văn: Trước đây chính phủ Liên Xô không bao giờ công nhận chuyện đó?

Bùi Tín: Vâng. Chuyện này, đấy là do hiệp định quân sự bí mật cho nên người ta không muốn đưa ra công khai, nhưng mà nhân dân thì người ta biết cả. Chiến tranh chấm dứt đã hơn 30 năm nay và chuyện này không còn có gì là bí mật cả. Chuyện này chỉ là không công nhận chính thức thôi. Riêng về cá nhân tôi thì tôi có tham dự đoàn đó và tôi đã biết.

Trong thời gian theo dõi cuộc chiến tranh bằng không quân thì tôi cũng thường xuyên có mặt ở các sở chỉ huy không quân để viết về không quân thì tôi đều gặp các chuyên gia Liên Xô. Họ đều mặc đò civil (dân sự) thôi. Chỉ có ngày lễ chứ họ ít khi mặc quân phục.

Trường Văn: Thưa ông, ngoài khách sạn ở Hà Nội thì các chuyên gia Liên Xô này còn đóng ở những vùng nào trên Miễn Bắc không?

Bùi Tín: Họ có những nhà nghỉ riêng như là ở Sapa, ở Đồ Sơn, ở Thường Sơn, ở Hải Phòng đều có những nhà nghỉ cho họ. Cái này do Cục Đối Ngoại của Bộ Quốc Phòng, tức cả một bộ máy để tiếp đón họ. Còn những người nào phải sang từ một năm trở lên thì có quyền đem theo vợ và con thì đều có khu vực riêng cho họ chứ không phải chỉ có riêng Khách Sạn Liễu Giai mà thôi, mà trong thành nội cũng có những nơi nghỉ cho họ. Một góc trong thành nội, góc Lý Nam Đế - Hùng Vương cũng có một số nhà khách dành riêng cho chuyên gia quân sự Liên Xô.

Trường Văn: Thưa ông, ngoài những nhà khách dành riêng cho họ, những chuyên gia quân sự Liên Xô này còn có mặt ở các nơi bộ đội phòng không và không quân đóng không?

Bùi Tín: Có chứ. Họ đều có những gian nhà riêng dành cho chuyên gia có mặt ở đó. Có những người đi lại, có những người thường xuyên ở những nơi chỉ huy về tên lửa, về không quân. Ngay cả từng chỗ có trạm tên lửa, có bệ tên lửa là cũng có những nhà gần đó cho các chuyên gia Liên Xô ở. Họ có chế độ riêng về ăn, ở, về tiếp đón, đi lại, về tiêu chuẩn ăn uống, nghỉ ngơi, do Bộ Quốc Phòng quy định.

Trường Văn: Thưa, trong những trận không chiến hay những trận oanh kích của không quân Hoa Kỳ thì họ (chuyên gia Liên Xô) có bị thiệt hại về nhân mạng, có bị thương vong hay tử thương gì không?

Bùi Tín: Cái này thì tôi không được biết rõ lắm, nhưng có một số người bị bệnh chết. Khi theo phái đoàn sang Moscow thì tôi thấy có một số bằng khen thưởng cho một số người đã chết. Tôi nghĩ chết tại trận thì tôi chưa được nghe thấy. Có thể là tôi không biết thôi bởi vị họ ở rải rác tại các bệ phóng tên lửa, tại các sân bay mà. Lúc bầy giờ có sân bay Hoà Lạc, sân bay Thanh Hoá, san bay Vinh, rồi có những sân bay dã chiến cả trên vùng núi nữa nên tôi không được biết hết.

Trường Văn: Thưa ông, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và cho ngay cả bây giờ chính phủ Việt Nam có công nhận là có quân đội Liên Xô tham chiến ở Việt Nam không?

Bùi Tín: Theo tôi được biết thì đến nay chưa có một bài báo nào ở Việt Nam nói công khai chuyện ấy cả. Nhưng mà nhân dân và bộ đội bình thường thì đều biết cả bởi họ tinh lắm. Sự có mặt cả hàng nghìn người thì đó là cái rất rõ.

Sự hiện diện của chuyên gia Liên Xô hồi đó còn rõ hơn là sự có mặt của bộ đội Trung Quốc, của sĩ quan Trung Quốc. Bộ đội Trung Quốc phần lớn ở các vùng, các tỉnh phía Bắc sát Trung Quốc, người ta gọi là ở phía Bắc sông Hồng, chứ không có ở phía Nam. Từ phía Nam của Hà Nội là không có.

Trường Văn: Dạ vâng. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn ông đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Bùi Tín: Vâng. Không có gì. Cảm ơn anh.

(Quý vị vừa nghe ý kiến của ông Bùi Tín về vấn đề quân nhân Liên Xô tham chiến tại Việt Nam. Đây là ý kiến của một nhân vật được xem là có nhiều hiểu biết, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của đài Á châu tự do. Xin cám ơn quý vị.)


Ông Obama đạt chiến thắng sơ bộ thứ 10 liên tiếp trước bà Clinton
Wednesday, February 20, 2008 (NV)

 

HOUSTON, Texas (AP) - Nghị Sĩ Barack Obama đã đưa thêm Wisconsin và Hawaii vào bảng danh sách 10 chiến thắng liên tiếp của mình trong các cuộc bầu cử sơ bộ và điều này cũng đẩy nữ Nghị Sĩ Hillary Rodham Clinton vào vị thế phải chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu nội bộ của đảng Dân Chủ ở Texas và Ohio vào đầu tháng tới, để có thể tiếp tục cuộc vận động tranh cử.

Vị cựu đệ nhất phu nhân này cũng trông chờ đến buổi tranh luận hôm Thứ Năm 21 Tháng Hai, ở Austin, Texas hầu chặn đứng đà tiến của ông Obama và tạo lại sự lạc quan cho phe nhà.

“Sự thay đổi chúng ta đang tìm kiếm hãy còn cách xa nhiều tháng và nhiều dặm đường nữa,” ông Obama tuyên bố trước đám đông phấn khích ở Houston trong bài diễn văn đêm Thứ Ba, trong đó ông cũng hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến Iraq trong năm đầu tiên nắm quyền.

“Tôi chống lại cuộc chiến này vào năm 2002. Tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến này vào năm 2009. Ðã đến lúc đưa các chiến sĩ của chúng ta về nước,” ông tuyên bố.

Nghị Sĩ John McCain, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa, đã thắng hai cuộc bầu cử sơ bộ ở Wisconsin và Washington, để tiếp tục đường tiến đến việc được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh cử tổng thống, một điều coi như không còn gì nghi ngờ nữa.

Trong cuộc tranh cử ngày càng trở nên gay gắt, ông Obama đã tấn công thẳng vào những nơi vẫn được coi là cứ địa hậu thuẫn cho bà ClintonWisconsin, chia phiếu của cử tri phụ nữ da trắng ở mức ngang bằng với bà. Theo các cuộc thăm dò dư luận bên ngoài phòng phiếu, ông cũng có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cử tri lao động, những người được coi là thành phần hậu thuẫn chính của bà Clinton tại tiểu bang Ohio và Pennsylvania, hai chiến trường sắp tới.

Bà Clinton đã không nhắc nhở gì đến sự thất bại tại Wisconsin và cũng không bày tỏ điều gì cho thấy là bà sẽ chịu thua khi xuất hiện tại thành phố Youngstown thuộc tiểu bang Ohio.

“Cả Nghị Sĩ Obama và cá nhân tôi đều sẽ làm nên lịch sử,” vị nghị sĩ từ New York cho hay. “Nhưng chỉ một người trong chúng tôi là đang sẵn sàng từ ngày đầu tiên để nhận chức chỉ huy, sẵn sàng để điều hành nền kinh tế của chúng ta, và sẵn sàng để đánh bại phía đảng Cộng Hòa. Chỉ một người trong chúng tôi đã dành 35 năm trong đời mình để làm việc, để chiến đấu cho những người cần có tiếng nói đại diện.”

Trong một chỉ dấu cho thấy vị thế của các ứng viên hiện nay, các hệ thống truyền hình cable đã bất ngờ chuyển từ hình ảnh bà Clinton đang nói chuyện sang ông Obama khi ông khởi sự lên tiếng ở Texas.

Nghị Sĩ McCain dễ dàng chiến thắng ở Wisconsin với 55 phần trăm số phiếu, tiến gần hơn đến con số 1,191 đại biểu cần thiết để được đảng đề cử ra tranh chức tổng thống tại đại hội đảng Cộng Hòa ở St. Paul, tiểu bang Minnesota vào Mùa Hè. Ông cũng chiến thắng ở Washington với 19 đại biểu.

Trong lời chỉ trích ông Obama, cho thấy ông McCain tin rằng ông Obama có nhiều triển vọng đại diện đảng Dân Chủ, ông nói: “Tôi sẽ tranh đấu mỗi ngày trong cuộc tranh cử này để bảo đảm rằng người dân Hoa Kỳ sẽ không bị lừa dối bởi những lời kêu gọi thay đổi tuy hùng hồn nhưng trống rỗng.” (V.Giang)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á
Đất nước tiến lên đỉnh cao Mại Dâm chủ nghĩa, hoa hậu, hoa khôi giá cao, hoa hậu thế giới VN cao nhất 200 triệu đồng/phát
Nỗi nhục dân tộc do những công dân gương mẫu CSBV tức CHXHCNVN

     Đọc nhiều nhất 
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi [Đã đọc: 817 lần]
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 450 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 386 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 356 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 330 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 321 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 272 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 268 lần]
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975 [Đã đọc: 232 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 230 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.