Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 6
 Lượt truy cập: 24867343

 
Góc thư giãn 25.04.2024 17:13
Món nợ Thành Đô đảng CS vay dân VN trả bất tận!
24.07.2016 07:40

Hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ' của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Quang Cơ đã đề cấp đến những gì xảy ra sau Hội nghị Thành Đô 3-4 tháng 9/1990 giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc năm 1990, chủ đề hiện được dư luận ở Việt Nam quan tâm trở lại:

Image copyrightAP
Image captionCác ông Lý Bằng và Giang Trạch Dân đóng vai trò quan trọng tại Hội nghị Thành Đô

Sau đây là hai chương BBC Tiếng Việt xin trích dẫn từ các nguồn mở đã đăng trên mạng Internet ở nước ngoài ở dạng tư liệu, mở đầu là chương 16 dưới tiêu đề 'Món nợ Thành Đô':

“Từ tháng 9/90, Trung Quốc luôn coi ta mắc nợ họ về thoả thuận Thành Đô, đòi ta thực hiện thoả thuận đó, cụ thể là tác động với Phnom Penh nhận SNC có 13 thành viên và do Sihanouk làm Chủ tịch. Với cách làm đó, họ khơi sâu thêm bất đồng trong nội bộ ta… Trung Quốc thấy rằng việc thực hiện thoả thuận Thành Đô gặp trở ngại chính từ Bộ Ngoại giao nên chủ trương chia rẽ nội bộ ta càng trắng trợn hơn. Đại sứ mới của Malaysia ngày 3.10.90 đến chào xã giao, nói với tôi là ở Bắc Kinh người ta đưa tin là có sự khác nhau giữa Bộ Ngoại giao và lãnh đạo Đảng về chủ trương đối ngoại cho nên trong chuyến đi Thành Đô gặp cấp cao Trung Quốc không có ông Nguyễn Cơ Thạch.

Sau Thành Đô, trong khi ta nới rộng hoạt động của sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam thì phía Trung Quốc lại tỏ ra lạnh nhạt với Bộ Ngoại giao công kích lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam; hạn chế hoạt động của Đại sứ ta ở Bắc Kinh, không sắp xếp Đại sứ ta tham dự vào cuộc Lý Bằng tiếp anh Võ Nguyên Giáp, anh Vũ Oanh; cử cán bộ cấp thấp tiếp và làm việc với Đại sứ ta.

Trung Quốc một mặt khẳng định là vấn đề Campuchia chưa giải quyết thì quan hệ Trung – Việt “chỉ có bước đi nhỏ”, mặt khác thăm dò và tích cực tác động đến vấn đề nhân sự và phương án chuẩn bị Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ họp vào giữa năm 1991. Từ tháng 3/91, tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khoá 7, Lý Bằng tuyên bố “quan hệ Trung – Việt đã tan băng” và có một số điều chỉnh mềm dẻo hơn trong vấn đề Campuchia. Về vấn đề SNC của Campuchia. Trung Quốc không cố bám giữ con số 13, tạm gác vấn đề chủ tịch, phó chủ tịch, đưa ra công thức “Sihanouk chủ trì các cuộc họp SNC”. Từ chỗ chỉ có quan hệ với 3 phái, sau cuộc gặp SNC ở Pattaya (Thái Lan), Trung Quốc chuyển sang quan hệ trực tiếp với Nhà nước Campuchia, mời Hun Sen thăm Bắc Kinh trong 3 ngày (22-24/7/91).

Chiều Chủ nhật 18/11/90 họp Bộ Chính trị về vấn đề Campuchia. Từ sau khi P5 thoả thuận về văn kiện khung (28/890) cuộc đấu tranh về vấn đề Campuchia đi vào giai đoạn cuối, gay gắt và quyết liệt. Thay mặt Bộ Ngoại giao, tôi trình bày đề án về nguyên tắc đấu tranh về văn kiện khung của P5 và về vấn đề SNC để Bộ Chính trị cho ý kiến. Khi tôi trình bày xong, anh Thạch đề nghị Bộ Chính trị khẳng định 2 điểm:

1. Vấn đề SNC là vấn đề nội bộ của Campuchia, ta không ép bạn được, phải tôn trọng chủ quyền của bạn;

2. Về văn kiện khung, ta phải bác những điểm vi phạm Hiến chương LHQ. Nếu không sau này có ảnh hưởng đến vấn đề xử lý Trường Sa… Ta thấy rõ Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí xoá Nhà nước Campuchia bằng cách khác nhau.

Cuối cuộc họp, Tổng bí thư Linh kết luận: “Về SNC ta không thể góp ý với bạn được… Nếu nói Trung Quốc và Mỹ như nhau thì tôi không đồng ý. Sau hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị sẽ đánh giá lại một số vấn đề liên quan đến ngoại giao như nhận định về Trung Quốc thế nào, tuyên bố hoặc nói về Trung Quốc như thế nào?”

Image captionBộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là nhân vật lớn của ngành ngoại giao Việt Nam

Nguyễn Cơ Thạch nói luôn: “Đồng ý đánh giá lại cả cuộc hội đàm ở Thành Đô”.

Dự thảo Hiệp định toàn bộ về Campuchia ngày 26/11/90 do P5 thảo ra đã được các thành viên SNC Campuchia chấp nhận về cơ bản tại cuộc họp ở Paris ngày 23/12/90. Chủ trương của ta là giải pháp chính trị về Campuchia, nhất là những vấn đề nội bộ Campuchia, phải do bạn tự quyết định và chịu trách nhiệm với dân tộc Campuchia. Ta hết sức giúp đỡ họ, gợi ý để họ tránh được những thất bại không đáng có, nhưng ta không thể làm thay. Như vậy ta vừa hết lòng giúp bạn vừa không để Việt Nam một lần nữa bị sa lầy vào cuộc đấu tranh nội bộ của Campuchia. Không để vấn đề giải pháp chính trị về Campuchia lại một lần nữa trở thành vấn đề lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Campuchia.

Theo yêu cầu của bạn, ngày 14/1/91, tôi cùng các anh Huỳnh Anh Dũng, Lê Công Phụng, Vũ Tiến Phúc, chuyên viên về giải pháp Campuchia, sang Phnom Penh làm việc với bạn với mục đích:

a. Tìm hiểu suy nghĩ và ý định của bạn về giải pháp Campuchia sau khi bạn đã chấp nhận văn kiện khung của P5 tại cuộc họp Jakarta 10/9/90 và chấp nhận về cơ bản dự thảo Hiệp định 26/11 của P5 tại cuộc họp Paris 23/12/90;

b. Thuyết phục bạn kiên quyết tách riêng các vấn đề nội bộ thuộc chủ quyền Campuchia để chỉ thảo luận và giải quyết trong SNC;

c. Thoả thuận kế hoạch chuẩn bị cho việc họp lại Hội nghị quốc tế Paris.

Khi tiếp tôi, anh Hun Sen nói: “Trong nội bộ Campuchia, xu hướng mạnh nhất là muốn có một giải pháp chính trị giữ được thành quả cách mạng, không để cho Pol Pot quay trở lại… Tình hình hiện nay rất tế nhị. Tình hình phức tạp sẽ xảy ra nếu ta chấp nhận một giải pháp vô nguyên tắc. Chỉ cần chấp nhau một giải pháp như vậy thì nội bộ Campuchia đã hỗn loạn rồi chứ chưa nói là ký kết. Ta giữ lập trường cứng như vừa qua là tốt. Đề nghị Việt Nam không để đẩy quá nhanh tiến trình giải pháp.

Như vậy, qua các cuộc gặp Bộ trưởng Hor Nam Hong, Thứ trưởng Dith Munty và Thứ trưởng Sok An, nhất là qua phát biểu của Chủ tịch Hun Sen chiều 16/11, có thể thấy được chủ trương của bạn cố kéo dài trạng thái đánh đàm hiện tại vì nhiều yếu tố chủ quan khách quan khác nhau, song chủ yếu vì trong nội bộ lãnh đạo bạn xu hướng chưa muốn đi vào giải pháp còn rất mạnh. Hun Sen cho biết theo quyết định của Bộ Chinh trị Campuchia, trong cuộc họp Trung ương ngày 17/1/91, ông ta sẽ thông báo cho Trung ương là “năm 1991 sẽ chưa có giải pháp”.

Tuy nhiên, tôi lại có cảm thấy trong suy nghĩ cũng như trong hành động lãnh đạo Campuchia đang có nhiều mâu thuẫn lúng túng, chưa xác định được cho mình một đường lối rõ ràng mạch lạc, mà chỉ lo đối phó từng bước với những vấn đề trong nội bộ cũng như với đối phương.

Image copyrightAP
Image captionCác lãnh đạo Việt Nam, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười

Trong lần gặp Heng Somrin ở Hà Nội ngày 24/2/91, anh Nguyễn Văn Linh vẫn cố ép bạn “cần thực hiện tốt chính sách hoà hợp dân tộc, không nên nhấn mạnh vấn đề diệt chủng, nên SNC gồm 13 thành viên và Sihanouk làm Chủ tịch”. Heng Somrin về nói lại với Bộ Chính trị Đảng Campuchia thì tất cả đều băn khoăn và ngại rằng Heng Somrin không thạo tiếng Việt nên nghe có thể sai sót. Thực ra, như Hun Sen nói với anh Ngô Điền, khi nghe Heng Somrin nói lại những ý kiến của anh Linh, Bộ Chính trị Campuchia rất lo vì thấy Việt Nam khác Campuchia nhiều quá. Ngày 13/3/91 Hun Sen nói với anh Thạch: “Có thể có sách lược phân hoá Khmer đỏ, nhưng dứt khoát không thể bỏ vấn đề diệt chủng. Nếu bỏ sẽ có 3 mối nguy hiểm: sẽ mất con bài mặc cả trong đàm phán ngay từ đầu; mất lợi thế trong tổng tuyển cử; kẻ thù sẽ có lợi trong việc vu cáo Việt Nam là mọi chuyện xảy ra 12 năm qua đều do Việt Nam gây ra cả. Số lượng thành viên SNC có thể là 12 hoặc 14, không thể chấp nhận con số 13, sẵn sàng cho Sihanouk làm chủ tịch, Hun Sen làm phó, không đòi chức chủ tịch luân phiên hay đồng chủ tịch nữa”.

Trong cách làm này của ta cho thấy ta chỉ quan tâm đến điều mà ta cho là có lợi ích đối với ta mà thiếu cân nhắc xem điều đó có phù hợp với lợi ích của bạn không. Cách làm đó tất yếu ảnh hưởng xấu đến quan hệ gắn bó lâu nay giữa ta với Phnom Penh.

Đầu năm 1991, Bộ Chính trị đã có cuộc họp tại T78 thành phố Hồ Chí Minh (24-25/1/91) để bàn về vấn đề Campuchia. Tôi trình bày chủ trương tách mặt quốc tế với mặt nội bộ của giải pháp Campuchia, đồng thời báo cáo ý kiến của Hun Sen cho biết là Bộ Chính trị Campuchia quyết định không đi vào giải pháp trong năm 1991. Bộ Chính trị quyết định cần thăm dò khả năng họp Bộ Chính trị 3 nước để hướng Campuchia đi vào giải pháp, họp có tính chất trao đổi, gợi ý chứ không quyết định, ta không thể ép bạn, đồng thời phải tỏ được thiện chí, tránh mọi việc làm ta bị cô lập.

Nhân dịp này, tôi đã ngỏ ý với anh Thạch là tôi muốn rút khỏi Trung ương khoá tới. Anh Thạch tỏ ý không tán thành. Đến tháng 2/91, khi có cuộc bầu đại biểu ở các tỉnh để đi dự Đại hội VII, tôi đã gửi thư cho anh Nguyễn Đức Tâm, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, xin rút khỏi danh sách dự Đại hội VII. Lúc này tinh thần tôi đã có phần mệt mỏi vì những sự việc trong thời gian qua. Nhưng yêu cầu của tôi không được đáp ứng. Tôi nhận được giấy đi dự Đại hội tỉnh Đảng bộ Sơn la và được bầu vào Đoàn đại biểu tỉnh Sơn la đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.Tháng 6/91, tôi có giấy đi dự Đại hội Đảng với tư cách đại biểu tỉnh Sơn La rồi tiếp tục tham gia Trung ương khoá VII.

Tình hình bất đồng ý kiến trong Bộ Chính tri càng đến gần Đại hội càng bộc lộ gay gắt. Ngày 13/4/91, trong cuộc họp Bộ Chinh trị bàn về tình hình thế giới và đường lối đối ngoại để chuẩn bị báo cáo chính trị tại Đại hội, sau khi anh Thạch bản báo cáo về “Tình hình thế giới và chiến lược đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”, Lê Đức Anh giới thiệu đại tá Lân, cán bộ Cục II Bộ Quốc phòng, trình bày về tình hình thế giới và mưu đồ đế quốc”. Nghe xong, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Chủ quan tôi nghĩ giữa bản trình bày sáng nay (của Bộ Ngoại giao) và bản trình bày tình hình quân sự chiều nay của Bộ Quốc phòng có nhiều chỗ khác nhau. Muốn thảo luận chủ trương thì phải thảo luận tình hình trước, nhưng cách đánh gia tình hình còn khác nhau.”

Cố vấn Phạm Văn Đồng: “Nói khôi hài lúc này thật không phải lẽ. Chúng ta cần cố gắng làm việc đúng lương tâm, nghiêm chỉnh, đúng trách nhiệm của mình. Bộ Chính trị đã giao cho 3 đồng chí phụ trách 3 ngành làm nhưng lại chưa làm”.

Lê Đức Anh: “Bộ Chính trị nên nghe tình hình nhiều mặt, ngay trong nước chúng ta cũng đánh giá khác nhau. Căn cứ vào đánh giá chung, mỗi ngành có đề án riêng, không làm chung được.”

Nguyễn Cơ Thạch đồng ý 3 ngành thảo luận để đi tới nhất trí về tình hình, còn công tác thì mỗi ngành làm.

Trên tinh thần đó, ngày 2/591, đã có cuộc họp giữa Ngoại giao, An ninh và Quốc phòng để thống nhất nhận định tình hình thế giới. Dự họp về phía Bộ Quốc phòng có: Lê Đức Anh, Trần Văn Quang, Đại tá Lân, Bộ Nội vụ có: Mai Chí Thọ; Bộ Ngoại giao có Nguyễn Cơ Thạch và 4 thứ trưởng. Còn 3 phó ban Đối ngoại: Nguyễn Thị Bình, Trịnh Ngọc Thái, Nguyễn Quang Tạo. Thu hoạch của cuộc họp khá nghèo nàn, không đem lại được sự nhất trí trong nhận định tình hình, chỉ nhất trí được mấy điểm lý luận chung chung.

Image copyrightAFP
Image captionQuan hệ Việt Nam - Campuchia vốn phức tạp từ mấy chục năm qua

Chỉ còn một tháng đến ngày họp Đại hội VII, Chính trị B họp liền gần 3 ngày (15,16 và 17/5/91) để thảo luận bản dự thảo “Báo cáo về tình hình thế giới và việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội VI và phương hướng tới”. Bộ Chính trị có mặt đông đủ. Theo dõi cuộc họp ở ghế dự thính. Số dự thính lúc đầu có 10 người, từ chiều 16/5 khi đi vào kiểm điểm việc thực hiện các Nghị quyết về đối ngoại của Đại hội VI thì dự thính thu hẹp lại chỉ còn có Hồng Hà, Hoàng Bích Sơn, Đinh Nho Liêm và tôi. Từ đầu đến cuối, tôi đã nhận rõ sự đấu tranh giữa hai quan điểm về mặt quốc tế, nhất là khi đi vào phần kiểm điểm thực hiện đường lối đối ngoại, nói đến vấn đề Campuchia và quan hệ với Trung Quốc.

Bản dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại giao có nêu “đã có một số việc làm không đúng với các Nghị quyết của Bộ Chính trị”, “thái độ đối với Trung Quốc có sự thay đổi qua 2 giai đoạn (trước và sau năm 1989) trái với Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (20/5/88)”, “giữa ta và bạn Campuchia đã bộc lộ sự khác nhau khá rõ rệt”, về đối ngoại, ta “lúng túng, thiếu bình tĩnh” trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Âu và Liên Xô…; đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện với ASEAN (khi Thái Lan mời Thủ tướng Đỗ Mười sang thăm, nhưng anh Mười nói phải đi Liên Xô, đi Ấn Độ rồi mới đi Thái), đã làm nảy sinh tranh cãi khá căng, đặc biệt khi bàn đến đúng sai trong chuyện gặp cấp cao Trung Quốc ở Thành Đô tháng 9.90 và vấn đề chống diệt chủng và “giải pháp Đỏ”.

Anh Võ Chí Công: “Về Trung Quốc rất phức tạp… Bộ Chính trị đã đánh giá Trung Quốc có hai mặt xã hội chủ nghĩa và bá quyền. Về xã hội chủ nghĩa cũng cần thấy là trong “nháy nháy”… Khó khăn là chưa bình thường hoá quan hệ… Họ đưa ra 5 trở ngại, có cái hàng trăm năm không giải quyết nổi. Ví dụ như chuyện “Liên bang Đông Dương”, họ biết ta không có ý đồ đó song cứ nêu lên cốt để chia rẽ và giành lấy Lào và Campuchia, gạtta ra… Chuyện “giải pháp Đỏ” là không được, vì như vậy thì có nghĩa là Trung Quốc sẽ đi với ta chống Mỹ trong lúc chủ trương của họ là tranh thủ khoa học – kỹ thuật của phương Tây để hiện đại hoá, còn gì là Trung Quốc nữa?

Tới cuối cuộc họp, Nguyễn Đức Tâm còn nói:

“Chưa làm dự thảo Nghị quyết ngay được vì qua thảo luận thấy ý kiến Bộ Chính trị còn khác nhau về đánh giá đúng thành tích, đúng bạn thù, đối sách. Đại hội đến nơi, sau Đại hội không còn Bộ Chính trị này nữa, tuy một số đồng chí còn ở lại… Mặc dù vậy Nguyễn Thanh Bình chủ trì cuộc họp vẫn kết luận làm dự thảo Nghị quyết về đối ngoại.”

'Lịch sử chưa sang trang'

Chương 20 là chương kêt thúc hồi ký, dưới tiêu đề “Kết thúc một chặng đường nhưng lịch sử chưa sang trang”, ông Trần Quang Cơ viết:

“Sau 12 năm ròng rã, đối với chúng ta, vấn đề Campuchia coi như đã kết thúc và đã trở thành một hồ sơ của bộ phận lưu trữ trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhưng những bài học của 12 năm ấy vẫn còn có nhiều tính chất thời sự, nhất là bài học về chính sách và thái độ cư xử với các nước lớn.

Tiếp sau việc vấn đề Campuchia được giải quyết là việc thực hiện bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Theo thoả thuận giữa hai bên, ngày 5/11/91, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc đi thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.“Quan hệ Việt – Trung tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… Quan hệ Việt – Trung không phải là quan hệ đồng minh, không trở lại quan hệ như những năm 50-60…”

Image copyrightREUTERS
Image captionÔng Trần Quang Cơ đã nhìn thấy trước kế hoạch độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Tuy nhiên sau khi bình thường hoá quan hệ, lại dồn dập diễn ra những sự kiện xấu trên nhiều mặt quan hệ giữa hai nước, tập trung gay gắt nhất là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ trên bộ vùng biên giới Hà Giang tháng 2, 3, 4/92; vụ nối lại đường xe lửa Liên vận ở Đồng Đăng, Lạng Sơn tháng 12/91 rồi 4.5.92; Lục Lầm, Quảng Ninh tháng 5.92) và tranh chấp biển đảo mà đỉnh cao là vụ Trung Quốc công khai hoá việc ký kết họp đồng thăm dò khai thác dầu khí với Công ty Năng lượng Mỹ Crestone tại một vùng rộng lớn trên thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính).

Vì sao Trung Quốc tăng cường lấn ép ta vào thời điểm này? Vì Trung Quốc cho rằng tình hình đó đang thuận lợi cho họ tranh thủ gấp rút thực hiện yêu cầu tăng thế và lực (xây dựng hải quân nhanh, nổ thử bom 1000 kilôton, thi hành chiến lược “biên giới mềm”) nhằm tạo cho mình một vị thế đỡ bất lợi so với Mỹ và các nước lớn khác, trong đó có ý đồ gấp rút biến biển Nam Trung Hoa – mà ta gọi là Biển Đông – thành vùng biển độc chiếm của Trung Quốc, từ đó khống chế toàn bộ vùng Đông Nam Á.

1. Trật tự thế giới cũ không còn, trật tự thế giới mới chưa hình thành. Các đối thủ chính của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương đều đang gặp khó khăn, Liên Xô vừa tan rã. Liên bang Nga trước mắt chưa phải là thách thức đáng kể, Mỹ đang giảm bớt sự có mặt về quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương, tránh can thiệp nếu lợi ích của Mỹ và đồng minh không bị đụng đến.

2. Đông Nam Á mới bắt đầu quá trình nối lại các quan hệ giao lưu giữa hai nhóm nước đối đầu cũ. Triển vọng liên kết hay nhất thể hoá Đông Nam Á, bất lợi đối với ý đồ bá quyền của Trung Quốc, đang còn có những trở ngại (nghi ngờ nhau do khác ý thức hệ, va chạm lợi ích, ý đồ của Thái Lan đối với Lào, Campuchia) đòi hỏi thời gian khắc phục Trung Quốc muốn tranh thủ thời gian này để cản phá xu thế hợp tác khu vực giữa Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam và ASEAN tạo ra một tập hợp lực lượng thân Trung Quốc ở Đông Nam Á (quân phiệt Thái, quân phiệt Myanmar, Khmer đỏ ở Campuchia và Lào nếu có thể) để khuất phục Việt Nam.

3. Bản thân Việt Nam còn đang lúng túng về những vấn đề chiến lược (vấn đề đồng minh, vấn đề tập hợp lực lượng, vấn đề bạn thù) trong tình hình mới sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ với Mỹ chưa bình thường hoá, Trung Quốc muốn đi vào bình thường hoá quan hệ với Việt Nam trên thế mạnh.

Vì vậy Trung Quốc nhẩn nha trong các bước bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vừa tạo bề mặt thân mật gắn bó Trung – Việt, vừa siết chặt bên trong, giành lợi thế cho mình trên mọi lĩnh vực quan hệ.

Cả hai mặt đều nhằm đạt mục tiêu khẳng định Việt Nam – Đông Dương là thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc, muốn tách Việt Nam khỏi Đông Nam Á và thế giới bên ngoài.

Nội dung cuốn hồi ký (2005) thể hiện quan điểm riêng của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ đã được công bố lần đầu năm 2008 trên nhiều trang mạng ở nước ngoài. BBC Tiếng Việt chưa có điều kiện phỏng vấn chính tác giả về những nội dung này.



Hội Nghị Thành Đô: đâu là sự thật?


Minh Trí (‪#‎Danlambao‬)  


Cách đây vài năm, trong lúc chuyện trò với một người bạn, anh ta cho tôi biết, anh có nhận được email của bạn bè gởi tới thì đến năm 2020 nước Việt Nam sẽ trở thành một khu tự trị của Tàu, giống như Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây, Tân Cương. Bởi vì CSVN đã ký kết mật ước với CSTrung cộng vào ngày 4/9/1990 tại Thành Đô, Thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên bên Tàu, VN sẽ trở thành ngôi sao nhỏ thứ sáu trên lá cờ Trung Cộng.


Ai trong chúng ta khi mới nghe tin “động trời” nầy lần đầu tiên không có ít nhiều hoài nghi về sự chính xác của nó. Một quốc gia có hơn 4 ngàn năm văn hiến, với 90 triệu đân số, có thể nào bị CS bí mật bức tử giết chết không một lời trăn trối. Làm sao tôi tin được điều nầy, nhất là chưa có cơ sở, chưa biết nguồn gốc từ đâu. Sợ người bạn mất lòng, tôi hỏi anh bạn: có thật vậy không để không phải nói đó là “tin vịt cồ”, chuyện hoang đường, giàu tưởng tượng.

Các nguồn tin

Tài liệu về Hội Nghị Thành Đô (HNTĐ) lúc đầu rất là ít ỏi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, câu chuyện bí mật nầy trở thành vấn đề thời sự được bàn tán rất nhiều. Có nhiều dữ kiện mới, làm cho ta tin rằng, tại HNTĐ, CSVN có thể đã ký giao kèo bán nước VN cho Tàu vào năm 2020. Nếu trong khế ước không có định rõ ngày “giao hàng” thì cũng có những điều cam kết quan trọng buộc VN phải làm, để có thể hội nhập dễ dàng, lệ thuộc hoàn toàn vào xã hội Trung cộng, như sẽ được trình bày sau đây.


Chuyện có thật, là trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, HNTĐ được tổ chức tại Thành Đô (Thủ phủ tỉnh Tứ xuyên) bên Tàu, gồm có các lãnh tụ cao cấp hai nước Việt Nam và Trung cộng. Phía VN gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ Tương Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng, Hồng Hà, Hoàng Bích Sơn và Đinh Nho Liêm, Thứ trưởng ngoại giao. (Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch không được tham dự vì Trung cộng không muốn sự hiện diện của ông). Phía bên Trung cộng có Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng... Mục đích của Hội nghị là để tái lập việc bang giao giữa 2 nước Việt-Trung bị gián đoạn 12 năm nay và tìm một thỏa hiệp cho việc chấm dứt chiến tranh Campuchia.


(Hình những người tham dự HNTĐ)
(Từ trái sang phải: Bằng, Dân, Linh, Mười, Đồng)

Một trong những tài liệu quan trọng về HNTĐ là quyển Hồi ký của Trần Quang Cơ (ông không có mặt trong Hội nghị Thành Đô), cựu Thứ Trưởng Bộ ngoại giao VC. Trong đó, ông có viết rằng VN không đạt được những điều mong muốn về vấn đề Campuchia. Trong 7 điểm mà 2 bên đồng ý chấp thuận, có 2 điểm theo lập trường của VN, còn 5 điểm kia là theo ý của Trung cộng. Tuy nhiên phía VN đồng ý với họ, vì muốn giải quyết cho xong vấn đề Campuchia để đi đến bàn việc bang giao giữa 2 nước Việt-Trung. Không biết họ có thảo luận, bàn cãi vấn đề bang giao hay không mà không thấy ông nói tới trong quyển Hồi ký của mình. Theo nhiều người suy luận, rất có thể đây là vấn đề quá ư quan trọng, 2 bên cam kết giữ tối mật. Trần Quang Cơ, một đảng viên CS kỳ cựu, dù có biết cũng không dám nói ra, vì trái với lời thề khi gia nhập vào đảng CS?

Để tìm hiểu thêm hư thật ra sao, GS Ngô Đức Thọ, chuyên viên về Hán văn, có dịch ra tiếng Việt tập “Nhật ký đối ngoại” của Lý Bằng, Thủ Tướng Trung cộng, người tham dự Hội nghị. Trong đó có những đoạn như sau: “Nguyễn Văn Linh hy vọng thực hiện bình thường hóa quan hệ 2 nước, 2 Đảng. Tôi đã hội báo với đồng chí Đặng Tiểu Bình. Xét vì lần nầy Á vận hội sắp khai mạc ở Bắc Kinh, mà lần họp nầy liên quan việc bình thường hóa quan hệ 2 nước là sự trọng đại. Để tiện cho việc bảo mật địa điểm hội đàm quyết định bố trí tại Thành Đô. Ngày 4/9 thứ ba, 2 bên tiếp tục họp và đồng ý bắt đầu soạn thảo “Kỷ yếu hội nghị”. Đến 2g30 chiều, tại Đại sảnh từng 1 khách sạn Kim Ngưu, 2 bên cử hành lễ ký kết chánh thức, rất là trọng thể. Đây là bước ngoặc mang tính cách lịch sử của quan hệ 2 nước Trung- Việt. Đồng chí Giang Trạch Dân có tặng cho phái đoàn VN 2 câu thơ của Lổ Tấn được dịch ra như sau: “Sau kiếp nạn, anh em còn đó. Trông nhau cười, thù hận sạch không.”

Trong quyển “Nhật ký đối ngoại” của Lý Bằng, lại không thấy viết điều gì đến Campuchia. Chỉ thấy ông nói đến “Kỷ yếu hội nghị” mà nội dung không được công bố ra ngoài. Có lẽ 2 bên đã cam kết như thế.

Cho đến năm 2014, nhiều cơ quan truyền thông, hội đoàn trở lại xôn xao bàn tán về Hội nghị Thành Đô, vì có nhiều sự kiên mới.

Trên mạng truyền thông của Hội Thánh Phục Quyền, ông Trúc Giang, lấy nguồn tin của mình từ Wikileaks có viết những dòng sau đây: “Wikileaks xác định văn kiện sau đây là một trong 3100 bức điện thư lưu trữ tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Biên bản buổi họp kín giữa Nguyễn văn Linh, Tổng Bí Thư đảng CSVN, Đỗ Mười, Thủ Tướng, đại diện phía VN, và Giang Trạch Dân TBT/CSTrung cộng, Lý Bằng Thủ Tướng, đã họp 2 ngày từ 3,4/9/1990, tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung cộng. Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ Nghĩa CS, đảng CS và nhà nước VN đề nghị phía Trung cộng giải quyết các mối bất đồng giữa 2 nước. Phía VN sẽ hết sức mình để vung đắp tinh hữu nghị lâu đời vốn có giữa 2 đảng và nhân dân 2 nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và VN bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chính quyền Trung Ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Quảng Tây. Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho VN thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”

(Xin ghi thêm: Wikileaks.org là mạng của một tổ chức bất vụ lợi do ông Julian Assange, người Úc, điều khiển. Không hiểu làm sao tổ chức nầy có được những tài liệu tối mật có tính cách quan trọng liên quan vấn đề quốc gia, như tham nhũng, chiến tranh. Những công điện mật mà các Tòa Đại sứ Mỹ gởi về Bộ ngoại giao Mỹ. Mức khả tín của Wikileaks rất là cao).

Ông Long Điền, thuyết trình viên trong một Hội Luận kéo dài 2 tiếng đồng hồ, bàn về Hội nghị Thành Đô, được tổ chức ở Mỹ ngày 31/8/2014, xác nhận là ông có giữ bản công điện trong Wikileaks bằng tiếng Anh. Hội luận nầy được hỗ trợ bởi nhiều Tổ chức, Hội đoàn chống cộng, như nhóm 8406, LM Phan Văn Lợi…

Đặc biệt, mới đây, nhân lúc xảy ra tranh chấp vụ giàn khoan dầu HD 981, 2 tờ báo lớn của Trung cộng là Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã cùng nhau công bố những chi tiết mà họ gọi là sự thật về “Kỷ yếu Hội Nghị” như đã nói ở trên, có nội dung y như tiết lộ của Wikileaks. (Tân Hoa xã là cơ quan thông tin chánh thức của chánh phủ Trung cộng. Thời báo Hoàn cầu (Global Times) là một chi nhánh của tờ báo Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng CSTrung cộng). Có người cho rằng, việc đăng tải tài liệu mật của 2 tờ báo nầy do lệnh của chánh phủ Trung cộng với mục đích làm nhục và chia rẽ nội bộ chánh phủ VN, có tác dụng bịt miệng phía VN, đừng đi xa hơn nữa, bỏ qua việc kiện thưa các vụ tranh chấp về biển đảo, khoan dầu. VN đành câm miệng, không thêm một lời nói từ đó đến nay.

Phản ứng trong nước

Trong quốc nội, dư luận vô vùng xôn xao, và bắt đầu có phản ứng, nhất là từ lúc 2 tờ báo của đảng và của chánh phủ công bố nội dung. Theo bản tin RFA ngày 5/9/2014, có 20 cựu sĩ quan cao cấp CS gồm có Trung tướng, Thiếu tướng và Đại tá ký kiến nghị gởi lên chánh phủ VN đòi hỏi phải báo cáo rõ ràng với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt Trung, phải trả lời có hay không: “VN mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chánh quyền trung ương tại Bắc Kinh... Phía Trung cộng đồng ý và chấp nhận cho VN thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung cộng, như 2 tờ báo Hoàn Cầu Thời Báo và Tân Hoa Xã đã công bố mới đây về HNTĐ”?

Những người trẻ tranh đấu cho tự do trong nước đã lập Phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” đang vận động xin chữ ký của nhân dân để đòi hỏi Quốc Hội CS phải trả lời cho rõ về HNTĐ. Ngày 15/10/2014, họ đến Quốc Hội đưa kiến nghị, lại bị đàn áp.

Trước dư luận tai hại nầy, mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng CS có soạn tài liệu cho đảng viên học tập, giải thích về nội dung HNTĐ. Họ xác nhận rằng 2 bên đã đạt được sự thỏa thuận về các vấn đề như là: “chấm dứt tuyên truyền chống đối nhau; giải quyết các tranh chấp, đặc biệt về lãnh thổ bằng đường lối hòa bình; xem xét để các tỉnh hai biên giới có thể bàn bạc nhau; bổ sung các Hiệp định đã ký giữa 2 nước... Không hề có cái gọi là: VN sẽ trở thành khu tự trị trực thuộc Trung cộng, giống như Nội Mông, Tân Cương, Quảng Tây vào năm 2020. Đây là một luận điệu bịa đặt với ý định kích động các đảng viên và trong các tầng lớp quần chúng”. Không cần phải nói, ai mà tin những lời giải thích nầy của CS. Có gì khó khăn đâu, hãy đưa ra cho nhân dân xem nguyên bản HNTĐ có chữ ký của 2 bên. Làm sao CS dám làm điều nầy, để tự sát hay sao!

Đâu là sự thật?

Trên đây là những nguồn tin nói về HNTĐ. Hư thực ra sao phải đợi tối đa 6 năm nữa, đến năm 2020. Cũng có thể đến lúc đó chúng ta vẫn chưa biết được sự thực, vì 2 bên tiếp tục tuyệt đối bảo mật, sợ nhân dân biết, nổi lên lật đổ CSVN.

Theo tôi nghĩ, chuyện CS ký tên bán đứng đất nước VN thật sự đã xảy ra bằng một trong hai hình thức sau đây: Hoặc là “món hàng” sẽ được chuyển giao một lần duy nhất vào năm 2020. Hoặc là đã được giao nhiều lần rồi, từ 24 năm nay: đó là những Hiệp định, cam kết thiệt thòi mà Việt-Trung đã ký kết từ năm 1990 đến nay. Tại sao Trần Quang Cơ, Lý Bằng không nói gì đến việc liên hệ ngoại giao giữa 2 nước trong Hồi Ký và nhật ký của mình? Bởi vì đó là những bí mật quốc gia họ cam kết không được tiết lộ. Tại sao Wikileaks và 2 tờ báo Trung cộng Tân Hoa Xã và Thời báo hoàn cầu xác nhận nội dung bí mật là đúng? Bởi vì đó sự thật. Tại sao mới đây Ủy viên Quốc Vụ viện Dương Khiết Trì sang VN gặp Trọng, Sang nói rằng: mục đích chuyến đi là mang đứa con hoang trở về với Tổ quốc, và nhắc nhở phải tuân theo một số điều cấm kỵ không được làm. Và từ đó đến nay ta thấy các lãnh tụ VC im hơi lặng tiếng.

Mặc khác, hãy nhìn xem tình trạng ngặt nghèo bi đát của VN trong những năm trước 1990: Trung cộng là kẻ thù số 1; Liên Xô sắp cắt viện trợ; Các quốc gia CS Đông Âu đang từ bỏ chủ nghĩa CS; nhân dân trong nước không có việc làm, nghèo đói phải ăn gạo móc... Bộ Chính trị đảng CSVN phải làm mọi cách để được sống còn, cho mình, cho gia đình mình, dù có phải phạm tội tày trời là tội bán nước. Rõ ràng ta đã thấy một Phạm Văn Đồng, năm 1958 đã ký văn kiện bán 2 đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù lúc đó họ chưa bị dồn vào tình thế bi đát như những năm 1987-1990. Hơn nữa lần nầy đứng đàng sau Trung cộng có con cáo già Đặng Tiểu Bình dùng mọi thủ đoạn chèn ép, bắt chẹt phía VN đến tận cùng. Họ Đặng không thèm dự Hội nghị, còn nói: “Tôi đâu muốn gặp đồ ăn cháo đá bát đó”.

Hậu quả HNTĐ

Nếu sự thật có đúng như Wikileaks công bố, tức là đến năm 2020 VN sẽ trở thành một khu tự trị trực thuộc Bắc Kinh, điều nầy không có giá trị pháp lý. Đất nước VN không phải của đảng CS, mà thuộc về tài sản thiêng liêng của nhân dân. Chỉ có nhân dân VN mới có quyền quyết định sự tồn vong của nó bằng một cuộc trưng cầu dân ý, cần được Quốc hội chuẩn phê. Tuy nhiên, nếu giả thuyết nầy mà đúng, về phương điện chánh trị, HNTĐ có giá trị thật là lớn, là một cơ hội bằng vàng cho dân tộc VN. Thử hỏi lúc đó nhân dân có ngồi yên cho CSVN bán đi đất nước do Tổ Tiên để lại hay sao? Khi đó, chính là giờ phút cáo chung của CSVN, toàn dân sẽ thức tỉnh, đoàn kết tay trong tay đứng lên đòi lại tự do, độc lập cho đất nước.

Dù cho sự thật không hoàn toàn đúng như trên, HNTĐ cũng đã đóng vai trò như một trạm giao liên đầu tiên, một người dẫn đường cho CSTrung cộng đi vào VN từ Bắc tới Nam từ Đông sang Tây, từ từ xâm chiếm trọn lãnh thổ VN. Từ năm 1990 cho đến ngày hôm nay, VN đã ký kết những hiệp định thiệt thòi lép vế với Trung cộng về những vấn đề kinh tế, chánh trị, quân sự, văn hóa, di dân, khoa học...

Cái khung căn bản về liên hệ ngoại giao kể từ ngày 2 nước trở lại “như anh em trong đại gia đình”, là 4 chữ tốt và 16 chữ vàng (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai). Dựa vào 16 chữ vàng, 2 bên đã ký kết nhiều thỏa hiệp bất lợi, lép vế cho VN, chẳng hạn như:

Hợp tác toàn diện về kinh tế: Thiết lập luật pháp căn bản về kinh tế, Hiệp định về thương mại, bãi bỏ thuế xuất nhập khẩu. Nhờ những luật lệ ưu đãi như vậy, nhà thầu Trung cộng gần như thắng thầu hầu hết những vụ quan trọng. Hàng hóa rẻ tiền Trung cộng chiếm đa số thị trường VN, khiến cho công nhân trong nước thất nghiệp. Sự chênh lệch về cán cân mậu dịch giữa 2 quốc gia quá bất lợi cho VN: Năm 2013, VN nhập gần 37 tỷ, xuất gần 14 tỷ.

Hợp tác toàn diện về giáo dục: VN cam kết vận động quần chúng thực hiện tốt 16 chữ vàng và 4 chữ tốt. Trong dịp Tập Cận Bình qua thăm VN, ta đã thấy trên cờ Trung cộng có thêm một ngôi sao thứ sáu ám chỉ VN!

Trung cộng di dân vào VN: Người Trung cộng vào VN không cần visa nhập cảnh. Họ đã có mặt trên khắp đất nước. Chúng chiếm đóng các vị trí chiến lược, thuê đất với giá rẻ mạt ở biên giới phía Bắc, Bauxit Tây nguyên, Cà Mau. Khu phố Tàu Bình Dương, trong đó một trường Đại học quốc tế, một bệnh viện 1000 giường, một khu thể thao, hội nghị, tiệc cưới, một sân golf... Người Trung cộng ở đây sinh hoạt theo phong tục của họ. Luật pháp VN bị bỏ vào sọt rác. Nhân viên công lực VN không được vào kiểm tra.

Mới đây, ngày 21/6/2013 trong bản tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và TBT Tập Cận Bình có ghi rằng 2 bên đồng ý lập một đường dây nóng giữa Hà Nội và Bắc Kinh về những vấn đề liên quan quân sự, quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Đường dây nóng có nghĩa là những vấn đề nầy phải thông báo và nhận lệnh từ Bắc Kinh.

Sau HNTĐ, Nguyễn Cơ Thạch, lúc còn làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao VC có nói: “Một thời kỳ Bắc thuộc nguy hiểm bắt đầu”. Câu nói nầy, làm cho ta suy ngẫm thêm về bí mật HNTĐ. (Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương, cha ruột của Phạm Bình Minh, đương kim Ngoại trưởng CS).

Hậu quả tệ hại của HNTĐ suốt trong 24 năm nay, từ từ thấm vào và lan rộng trong xã hội, làm cho dân tộc VN càng ngày càng gầy yếu bịnh hoạn. Cho đến ngày hôm nay, bịnh tình đã quá nặng, có lẽ không còn cách cứu chữa nữa, trừ khi có một phép mầu nào đó!

Ngày nay, để mở rộng lãnh thổ mình, Trung cộng dùng những phương cách mềm mỏng, kín đáo, thay thế cách thức dùng quân đội, dùng súng đạn chiếm đất như thời xa xưa. Chiến lược mới nầy được gọi là “ranh giới mềm”. Họ đang áp dụng chiến thuật nầy đối với dân tộc VN.

Đến đây, tôi nhớ lại một bài viết của BS Trần Mộng Lâm, về chiến thuật luộc ếch của CSTrung cộng, trong đó có đoạn: “Theo thí nghiệm của John Hopkins 1982, nếu ta bỏ con ếch vào một nồi nước sôi, thì con ếch sẽ giãy giụa và nhảy ra khỏi nồi. Nhưng nếu ta bỏ con ếch vào nồi nước lạnh, rồi tăng nhiệt độ từ từ, thì ếch ngồi trong đó thoải mái cho đến khi bị luộc chín lúc nào không biết”. Nhân dân VN đang bị Trung cộng luộc trong nồi nước lạnh mà chưa chịu đứng lên! Phát giác sự thật trong HNTĐ là cơ hội bằng vàng cho toàn dân VN, thấy rõ được bản chất xấu xa CS mà tỉnh dậy nhảy ra khỏi nồi nước lạnh luộc ếch của Trung cộng.

Phải chi Mỹ đi trước Trung cộng một bước, thì không có HNTĐ và dân tộc VN đã được hưởng dân chủ tự do từ lâu

Thử nhìn lại hoàn cảnh lịch sử thế giới vào thời HNTĐ. Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ. Liên xô và các quốc gia Đông Âu từ bỏ chế độ CS hướng theo đường lối dân chủ Tây Phương. Chiến tranh lạnh giữa 2 khối CS-Tư bản chấm dứt. Tài chánh thiếu hụt, Liên Xô do Mikhail Gorbachev lãnh đạo (1986-1991) cho các quốc gia CS đàn em biết rõ là họ sẽ không được viện trợ nữa, trong đó có VN. Mỹ bất chiến tự nhiên thành, không tốn một đồng xu, đất nước sống trong thịnh vượng, đứng nhìn chế độ CS Đông Âu sụp đổ. Còn Trung cộng đang gặp nhiều khó khăn trước luồng gió tự do từ Đông Âu thổi đến: hàng trăm ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh biểu tình tại Thiên An Môn, đòi hỏi nhân quyền, tự do. TBT Triệu Tử Dương và Bộ trưởng quốc phòng nghiên theo phe cải cách. Đặng Tiểu Bình lúc đầu nghiên về phe cải cách, nhưng sau cùng thay đổi lập trường ra lệnh Lý Bằng đàn áp biểu tình. Chính phủ Trung cộng phải dùng xe tăng từ xa chạy về đàn áp. Khoảng 1000 thanh niên chết, và 10000 người bị thương. Trung cộng đang bị cô lập, không có bạn, vì bất hòa với Liên Xô.

Phần VN thì tình trạng kinh tế, xã hội rất là bi đát. Chiến tranh trước đây với Trung cộng và Campuchia làm cho kiệt huệ. Liên Xô sắp cắt viện trợ. Bị Mỹ cấm vận. Hà Nội nhận ra không thể nào tiếp tục tình trạng nầy, phải thay đổi toàn diện để sống còn. Trường Chinh có gặp Gorbachev để trình bày kế hoạch đổi mới. Bộ chánh trị như người sắp chết đuối. Họ phải làm sao đây?

Thượng sách là bỏ hẳn chủ nghĩa CS đưa tay xin Mỹ cứu giúp. Hạ sách và cũng là phương cách cuối cùng, là hạ mình xin cầu hòa với anh Trung cộng láng giềng. Đây không phải là chuyện dễ làm, vì mới hôm qua 2 bên còn đánh nhau trên chiến trường, rành rành trong lời nói đầu Hiến Pháp VN còn ghi rõ Trung cộng là kẻ thù số 1. Trần Quang Cơ có viết trong quyển Hồi Ký: “Ngày 20/5/1987, Bộ Ngoại giao có làm tờ trinh lên Bộ Chánh trị xin sửa đổi lời nói đầu của bản Hiến pháp, bỏ chỗ nói Trung cộng là kẽ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất. Mãi tới 26/8/1988, Quốc Hội mới thông qua dự luật nầy”. Có phải chăng thời gian 15 tháng dài chờ đợi, là lúc CS muốn tìm một vị cứu tinh khác Trung cộng hay không? Nếu lúc đó, Mỹ sốt sắng đưa tay kéo CSVN quay về với thế giới tự do, sẽ không có HNTĐ. Nguyễn Văn Linh và các đồng chí trong Bộ chánh trị sẽ vui mừng đến Mỹ để dự Hội nghị Hoa Thịnh Đốn. Bàn cờ thế giới ngày hôm nay sẽ khác hẳn. Mỹ có thêm một nước bạn tốt với 90 triệu dân, yêu thích tự do, nhân quyền, giống như nước Nhật, Philippines... Ngày nay, chiến lược đối ngoại của Mỹ không cần phải “xoay trục về Á châu”. Rất tiếc Mỹ đã bỏ rơi một cơ hội bằng vàng cho chính mình và cho cả dân tộc VN! Hay là lúc đó, tại vì Mỹ coi nhẹ VN, không muốn làm mích lòng Trung cộng, muốn hòa thuận với Trung cộng để cô lập Liên Xô, sợ mất thị trường vĩ đại Trung cộng. Để cho Nguyễn văn Linh, hết đường đi, chịu nhục xin xỏ kẻ thù, nhắn gởi Giang Trạch Dân rằng: “bất cứ lúc nào đồng chí cho gọi một tiếng là tôi đi ngay”. Mới hôm qua Trung cộng là kẻ thù số 1, hôm nay là láng giềng tốt, đồng chí tốt, người bạn tốt, đối tác tốt! Hành động muối mặt đó đủ chứng minh rằng CSVN chọn HNTĐ là vì không còn sự chọn lựa nào khác. (Giai đoạn quan trọng nầy xảy ra dưới thời 2 vị Tổng Thống George H.W. Bush (1989-1993) và Ronald Reagan (1981-1989).


Ta hãy chuẩn bị và chờ đợi cơ hội khác, xảy ra không biết lúc nào, tối đa 6 năm nữa. Lúc đó HNTĐ trở thành một dịp may ngàn năm một thuở, có tính cách mầu nhiệm để kêu gọi 90 triệu con tim yêu nước đứng lên lật đổ chế độ CSVN.


Minh Trí (Montréal)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Nhận được tin vui viện trợ Mỹ được Hạ Viện chấp thuận, quân Ukraine tổng phản công đánh bom tàu ​​cứu hộ lâu đời của Nga ở Crimea
Bí mật 30-4 chưa bao giờ tiết lộ : Quân đội Mỹ và VNCH suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót Vì Bị Bỏ Rơi
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á

     Đọc nhiều nhất 
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 568 lần]
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 559 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 463 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 444 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 421 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 371 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 369 lần]
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh! [Đã đọc: 355 lần]
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975 [Đã đọc: 329 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 320 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.