Đại tá Triệu Quang Điện, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên sỹ quan Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Rạng sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc bất ngờ sử dụng 2 sư đoàn bộ binh với sự hỗ trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tấn công ác liệt khu vực thị trấn Đồng Đăng.
Khi đó, đơn vị của ông Điện chốt ở tuyến biên giới thuộc khu vực Con Voi, sát biên giới Việt- Trung. Trong bão lửa, cán bộ địa phương đưa khoảng 400 người dân vào trong hang đền Mẫu tránh pháo. Sau đó, đơn vị ông nhận được phương án đưa dân từ đền Mẫu đi theo lối mòn lên tới pháo đài Đồng Đăng trú ẩn.

Quân Trung Quốc dùng hỏa lực đánh phá pháo đài và gặp phải kháng cự ác liệt của quân và dân ta tại pháo đài Đồng Đăng.

Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: “Ngày cuối cùng tại pháo đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn”.

Những ngày đầu cuộc chiến, nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài, anh em đại đội 5 C5 (Bộ đội Biên phòng địa phương) đã đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch hòng chiếm lấy cao điểm này. Hàng trăm tên địch gục ngã sau những đợt xông lên.

“Trong số hơn 100 người dân và chiến sĩ, chỉ có sáu người sống sót thoát ra được sau đó, còn lại đều chết ngay trong lòng pháo đài”. Thời khắc bi tráng đó sau này được anh hùng Nông Văn Phjeo, chiến sĩ đại đội 5 C5, một trong số sáu người sống sót kể lại.

Năm nay, kỷ niệm 39 năm cuộc chiến giữ đất biên cương lại rơi vào ngày Mồng 2 tết Mậu Tuất, nắng ấm chan hòa, hương khói lan tỏa cùng những cánh đào đỏ tô thắm thêm truyền thống chiến đấu và bảo vệ quê hương, đất nước của người dân biên giới Lạng Sơn.

Lạng Sơn: Tưởng nhớ những người giữ đất biên cương phía Bắc - ảnh 1Tại đền Mẫu Đồng Đăng cách đây 39 năm, khoảng 400 người dân địa phương đã đến đây trú ẩn. 
Lạng Sơn: Tưởng nhớ những người giữ đất biên cương phía Bắc - ảnh 2Pháo đài Đồng Đăng- khúc tráng ca chống quân Trung Quốc xâm lược  
Lạng Sơn: Tưởng nhớ những người giữ đất biên cương phía Bắc - ảnh 3Các cựu chiến binh Sư đoàn 3 Anh hùng tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh trong trận chiến giữ đất

Tướng Cương nói về cuộc chiến phi nghĩa của Trung Quốc 39 năm trước

authorGia Tưởng Thứ Bảy, ngày 17/02/2018 15:31 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Cho đến nay, đã 39 năm kể từ ngày 17.2.1979, khi 60 vạn quân bành trướng Trung Quốc thực hiện cuộc tấn công xâm lược trên dọc tuyến biên giới hơn 1.200km phía Bắc nước ta, nhiều học giả đều khẳng định: Hành động lúc đó của nhà cầm quyền Trung Quốc là vô cùng phi nghĩa, bởi họ đã gây ra một cuộc chiến làm hàng vạn người vô tội chết và bị thương.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, gần 40 năm nhìn lại, chúng ta có đủ thời gian và cứ liệu lịch sử để khẳng định: Nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó đã vô cùng hoang tưởng khi đột ngột tấn công Việt Nam vào ngày 17.2.1797. Đây hoàn toàn là một cuộc xâm lược chứ không phải cuộc chiến phản vệ mà Trung Quốc từng rêu rao.

 tuong cuong noi ve cuoc chien phi nghia cua trung quoc 39 nam truoc hinh anh 1

Ngay khi Trung Quốc tấn công nước ta, Lạng Sơn đã là một trong những địa phương đầu tiên phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề nhất.

Giải nguy cho Pol Pot

Để giải mã nguyên nhân cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc thực hiện vào mùa xuân 39 năm trước dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện cùng Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lực của Bộ Công an và cùng lật đi lật lại câu hỏi: Vì sao Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam vào tháng 2.1979?

Sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, tướng Cương đã tìm ra những câu trả lời không chỉ thuyết phục những học giả trong nước mà còn khiến cả những người Trung Quốc không thể không thừa nhận về một cuộc chiến phi nghĩa.

Tướng Cương khẳng định: Một phần nguyên nhân thực tế của cuộc chiến này chính là nhằm giải nguy cho tàn quân Khmer Đỏ của Pol Pot. Khi đó, quân tình nguyện Việt Nam đang giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pol Pot gây ra. Thực chất Khmer Đỏ chính là một sản phẩm của Trung Quốc.

Trong cuốn “Người tù của Khmer Đỏ” xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1987, Cựu hoàng Campuchia Norodom Sihanouk đã viết: “Từ năm 1956, những kẻ cầm đầu Khmer Đỏ hàng năm đều sang Trung Quốc nhận chỉ thị và viện trợ. Khmer Đỏ đã được Trung Quốc nuôi. Bọn chúng sử dụng vũ khí Trung Quốc, chiến thuật quân sự của Trung Quốc với mục đích vừa đánh Mỹ vừa đánh Việt Nam từ 1955 - 1975, sau đó gây ra nạn diệt chủng làm 2,7 triệu người Campuchia thiệt mạng, quấy nhiễu biên giới Tây Nam tiếp giáp với Việt Nam”.

Nhận thấy tình hình hết sức nguy hiểm, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng của quân Khmer Đỏ.

Theo tướng Lê Văn Cương, để cứu nguy cho tay sai của mình, Trung Quốc đã đơn phương và bất ngờ thực hiện cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta với lý do “phát động cuộc chiến tranh phản vệ”. Thực tế khi đó, quân và dân Việt Nam chưa hề xâm phạm một xăngtimét vuông nào lãnh thổ Trung Quốc ở phía Bắc.

 tuong cuong noi ve cuoc chien phi nghia cua trung quoc 39 nam truoc hinh anh 2

Thiếu tướng Lê Văn Cương nói về cuộc chiếm tranh xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc 39 năm về trước.

Ngoài ra, tháng 1.1979, ông Đặng Tiểu Bình - lãnh tụ Trung Quốc khi đó sang thăm Mỹ. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Jimmy Carter tại Nhà Trắng, ông Đặng Tiểu Bình đã khẳng định Trung Quốc sẽ đảm nhận vai trò làm NATO của phương Đông, đề nghị Hoa Kỳ kết hợp với Trung Quốc để đánh Nga Xô và Việt Nam.

“Trung Quốc làm điều này đã gây được sự hài lòng thích thú của giới diều hâu của nước Mỹ vì họ vừa thua trong cuộc chiến tranh với Việt Nam. Không chỉ trực tiếp tiến đánh nước ta năm 1979, sau đó Trung Quốc còn kết hợp chặt chẽ với Mỹ bao vây cấm vận nước ta tiếp theo 12 năm nữa gây bao khó khăn cho nền kinh tế nước ta”, tướng Cương phân tích.

Cũng theo ông Lê Văn Cương, sau chuyến đi này, Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu nhận được nhiều sự viện trợ về kỹ thuật, công nghệ và tiền bạc của Hoa Kỳ. Họ đã tranh thủ nắm bắt thời cơ để vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.  

Những trận đối đầu khốc liệt

Khi quân bành trướng Trung Quốc bất ngờ tiến hành cuộc xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta với một lực lượng quân hùng hậu, phía Việt Nam lúc đó chỉ có lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích. Nhưng những trận đánh đầu tiên đối mặt với quân xâm lược, quân và dân các tỉnh phía Bắc đã chiến đấu vô cùng anh dũng, khiến quân xâm lược gặp phải những tổn thất nặng nề.

Ngay khi Trung Quốc tấn công nước ta, Lạng Sơn đã là một trong những địa phương đầu tiên phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề.

Bà Hoàng Thị Hà, năm nay 63 tuổi, nguyên giáo viên Trường Dân tộc nội trú Lạng Sơn nhớ lại: "Tuy được tuyên truyền trước là Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ đánh Việt Nam, nhưng khi nghe tiếng đạn pháo vào khoảng 5h sáng 17.2.1979, lúc đầu tôi cứ tưởng là tiếng sấm. Nhưng chỉ ít giây định thần lại, chạy ra ngoài mới thấy những quầng lửa sáng bùng lên".

Cả thị xã Lạng Sơn nhanh chóng chuyển sang trạng thái chiến tranh. Những đơn vị bộ đội, công an vũ trang, dân quân tự vệ đã lập tức chiến đấu ngay, còn người dân khẩn trương tìm nơi trú ẩn hoặc sơ tán ra khỏi vùng chiến sự.

 tuong cuong noi ve cuoc chien phi nghia cua trung quoc 39 nam truoc hinh anh 3

Nằm trên một ngọn đồi phía Nam thị trấn Đồng Đăng, pháo đài Đồng Đăng là một hệ thống lô cốt vững chắc do Pháp xây dựng trước năm 1945 để khống chế một vùng biên giới. Mái lô cốt bị quân Trung Quốc đánh sập. (Ảnh: Hữu Thọ)

Nhắc đến những ngày đương đầu với quân Trung Quốc tại Lạng Sơn, không thể không kể đến trận đánh tại pháo đài Đồng Đăng. Người  trực tiếp chiến đấu tại pháo đài này là Đại tá - Anh hùng Nông Văn Pheo, năm nay 61 tuổi. Ông may mắn sống sót sau trận đánh vô cùng chênh lệch về lực lượng với quân xâm lược.

“Lúc đó tôi mới là binh nhất, được giao giữ súng trung liên bảo vệ hướng chính diện của pháo đài. Quân địch tổ chức hàng chục cuộc tấn công vào pháo đài trong mấy ngày liên tục. Đồng đội tôi rất nhiều người bị thương vong, nhưng tất cả bảo nhau kiên quyết bám trụ tại pháo đài. Sau 3 ngày đêm liên tục đối mặt với quân địch, vừa đói vừa khát, chúng tôi phải tìm cách vượt vòng vây, tìm nước để uống cũng như kiếm đồ tiếp tế cho đồng đội. Nhưng địch quá đông, chúng từng bước tấn công vào pháo đài, thả lựu đạn và dùng xăng để đốt cháy pháo đài”, Đại tá Pheo nhớ lại.

Để bảo toàn lực lượng, Đại tá Pheo và một số đồng đội đã phải rút lui khỏi pháo đài tìm đường về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Theo thống kê, sau 3 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại tá Nông Văn Pheo đã trực tiếp tiêu diệt 70 tên địch, góp phần gây tổn thất nặng nề cho quân địch.

Nhưng đau xót thay, sau khi pháo đài Đồng Đăng thất thủ, quân Trung Quốc đã sát hại hàng trăm đồng bào ta. Pháo đài trở thành ngôi mộ tập thể lớn nhất trong chiến tranh biên giới của nhân dân Lạng Sơn.

Trước sự tấn công ồ ạt của quân Trung Quốc, Đồng Đăng và thị xã Lạng Sơn đều bị thất thủ. Quân xâm lược đi đến đâu là tiến hành đốt phá nhà xưởng, công sở, kho tàng bến bãi tới đó. Thị xã Lạng Sơn và nhiều địa phương khác gần như bị phá huỷ hoàn toàn sau khi quân Trung Quốc rút đi.

Phản kích

Ở Cao Bằng, hướng tiến công chính của địch là ở Thông Nông - Hà Quảng và Phục Hòa - Đông Khê. Nhờ huy động một lực lượng áp đảo nên ngay từ những ngày đầu, kẻ địch đã có nhiều mũi quân thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, chia cắt và gây rối loạn hệ thống chỉ huy của ta.

Trên hướng Hà Quảng, các trận đánh của Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Tiểu đoàn 6 Hà Quảng, Đồn biên phòng Sóc Giang, Nậm Nhũng… cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ diễn ra suốt 4 ngày, từ 17 đến 20.2 trên các chốt Cốc Ngựu, Cốc Nhu, Cốc Vường, điểm cao 505, Trúc Long-Địa Lan, Nà Xác, Trường Hà… Những trận đánh này đã chặn đứng hướng tiến công của địch ở khu vực cửa khẩu Sóc Giang.

Bị tổn thất nặng nề, ngày 22.2 quân Trung Quốc làm đường cho xe tăng vượt biên giới ở khu vực mốc 109, theo đường Pác Bó - Nà Mạ - Đôn Chương đánh vu hồi vào sau lưng và bên sườn trận địa ta, kết hợp với tấn công chính diện theo hướng cửa khẩu Bình Mãng - Sóc Giang.

Trung đoàn 246 đã chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng trước sức ép của quân địch, lại bị bao vây và cắt đường tiếp tế nên đã phải rút khỏi Sóc Giang lên khu vực thung lũng núi giữa Hà Quảng và Thông Nông tiến hành đánh du kích. Địch chiếm được Sóc Giang và tiếp tục phát triển xuống phía nam Hà Quảng.

 tuong cuong noi ve cuoc chien phi nghia cua trung quoc 39 nam truoc hinh anh 4

Xe tăng Trung Quốc bị ta bắn hạ tại Cao Bằng, sáng 17.2. (Ảnh: Mạnh Thường)

Từ ngày 19.2, địch bắt đầu áp sát thị xã Cao Bằng từ nhiều hướng. Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã diễn ra suốt nhiều ngày nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến ngày 24.2 đối phương chiếm được thị xã Cao Bằng và có những mũi vu hồi đánh lấn xuống khu vực đường số 3, Khâu Đồn, đèo Cao Bắc. Có những mũi địch thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam 50-60km (cầu Tài Hồ Sìn). Nhiều đơn vị của ta bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây cả 4 mặt.

Ngày 26.2, Quân khu 1 quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Cao Bằng do Đại tá Đàm Văn Ngụy, Phó tư lệnh Quân khu đứng đầu. Ngày 28.2, Bộ tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn 677 và Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút về phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị đánh phản kích.

Trước tình hình căng thẳng, Quân khu 1 gấp rút điều động Trung đoàn 852 và 183, tiểu đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn 675, các tiểu đoàn bộ đội và tự vệ phía sau lên phối hợp với các đơn vị tại chỗ tổ chức phòng tuyến mới ở phía nam cầu Tài Hồ Sìn, đường số 3, mỏ thiếc Tĩnh Túc…

Theo công bố chính thức, trong một tháng chiến đấu trên hướng này các lực lượng vũ trang và nhân dân Cao Bằng đã loại khỏi vòng chiến 18.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn địch, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, giữ kỷ lục về số xe tăng, thiết giáp tiêu diệt được và số tù binh bắt sống.

Lực lượng vũ trang ta đánh lui các đợt tiến công của quân Trung Quốc từ 20 đến 23.3, sau đó phản kích đẩy địch về khu vực cây số 5 và ngã ba Khâu Đồn, đồng thời bao vây một bộ phận mũi vu hồi của địch ở Nguyên Bình.

Ngày 1.3.1979 trên mặt trận Cao Bằng, Sư đoàn bộ binh 311 gồm Trung đoàn bộ binh 169, 529, 531 bộ binh và Trung đoàn pháo binh 456 được thành lập. Tuyến phòng ngự thứ hai được hình thành từ Tài Hồ Sìn đến Ngân Sơn. Chiến sự diễn ra quyết liệt trên khắp địa bàn tỉnh.

Sư đoàn 311 tổ chức cắt đường số 4, ngăn chặn cơ động tiếp tế của đối phương. Các tiểu đoàn đặc công 20 và 45 luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp với dân quân tự vệ tổ chức nhiều cuộc tập kích, phục kích gây cho quân xâm lược những thiệt hại nặng nề.

Ngày 5.3, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi toàn tuyến biên giới phía Bắc sau khi “đã dạy cho Việt Nam một bài học”. Hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố rút quân, ngày 7.3 quân Trung Quốc bắt đầu rút khỏi Thông Nông, Trà Lĩnh, vừa đi vừa tàn phá các khu vực nằm trên đường di chuyển của chúng.

Trước tình hình trên, cùng ngày hôm đó Bộ tư lệnh mặt trận hạ lệnh chuyển sang phản kích, dùng pháo binh bắn phá đội hình hành quân, các điểm tập kết người và xe cơ giới của địch... Trước áp lực tiến công của ta, nhiều đơn vị Trung Quốc vội vã rút chạy bỏ lại cả xe cộ, vũ khí và thương binh tử sĩ. Ngày 14.3, ở Minh Tâm (Nguyên Bình), một đại đội chủ lực địch bị lực lượng địa phương của ta vây hãm đã phải hạ súng đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 15.3, quân Trung Quốc rút khỏi thị xã và huyện Hòa An; ngày 16.3 rút khỏi Trùng Khánh, Quảng Hòa và Thạch An; ngày 17.3 rút khỏi Trà Lĩnh; ngày 18.3 rút khỏi Hà Quảng và Thông Nông. Đến đây, chiến sự trên mặt trận Cao Bằng tạm thời lắng xuống.

Ngày 4.3.1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc. 

Sáng 5.3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt với lời kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc".

Ngay sau lời kêu gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong đó, yêu cầu nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ.

Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi nơi khác, còn tất cả mọi người phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đứng trước quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, ngay sau lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 5.3.1979, Trung Quốc đã phải tuyên bố đơn phương rút quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Sau hơn nửa tháng tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, ước tính khoảng 62.000 quân xâm lược Trung Quốc đã bị thương vong, hàng trăm xe máy phương tiện chiến tranh của địch bị ta phá huỷ và thu giữ.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc vẫn âm ỉ diễn ra trong suốt 10 năm sau đó, phải tới năm 1990 mới chấm dứt hoàn toàn.